Gieo mầm yêu thương

Những người làm công việc thiện nguyện mà chúng tôi trò chuyện đều nói về việc họ làm một cách giản dị. Dĩ nhiên ai cũng sẽ có chút lo lắng, mệt mỏi khi làm việc liên tục và chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương. Nhưng phút mỏi mệt nhanh chóng qua đi, tất cả cùng một tấm lòng vì thành phố. 
Anh Phạm Hữu Tình (phải) và nhóm nấu cơm thiện nguyện mùa dịch
Anh Phạm Hữu Tình (phải) và nhóm nấu cơm thiện nguyện mùa dịch

Những ngày này, anh Phạm Hữu Tình (37 tuổi, làm việc trong lĩnh vực thời trang) cùng các thành viên CLB Thiện nguyện Suối mát từ tâm nấu hàng ngàn phần cơm miễn phí cho lực lượng chống dịch, người sống trong các khu phong tỏa, cách ly. Tờ mờ sáng, anh từ nhà ở quận Tân Bình sang bếp ăn ở quận Bình Thạnh rồi loay hoay chuẩn bị rau củ, thịt cá, sau đó đứng nấu cùng 3 người khác. Buổi trưa anh lại tất bật lo bữa chiều. Anh nói: “Do số lượng phần cơm cần hỗ trợ nhiều hơn dự định nên chúng tôi tăng lên khoảng 2.000 phần, có khi là 3.800 phần một ngày”. 

“Người cần hỗ trợ sẽ gọi điện, nhắn tin qua Zalo, Facebook, tôi ghi lại rồi chuẩn bị sẵn quà để hôm sau tặng. Những trường hợp không định vị được địa chỉ, như hôm trước là một xóm trọ giáp Bình Dương, tôi nhờ bạn bè ở gần khu vực đó trao giúp. Những ai không nhận quà được, tôi sẽ chuyển khoản từ 500.000 - 1 triệu đồng tùy hoàn cảnh”, anh Tình kể. Cứ vậy, khi về đến nhà, anh lại tranh thủ lên danh sách những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Là bố đơn thân với 2 con gái nhỏ hiện đang ở quê nhà Đắk Lắk, anh nói mình rất nhớ con. Ngày nào anh cũng tranh thủ gọi điện, nhưng có khi con đã ngủ hoặc mải chơi không biết cha gọi. Việc kinh doanh thời trang lao đao mấy tháng nay, nhưng anh nói, nếu cứ ở nhà yên ổn không làm gì giúp ai thì phí thời gian lắm.

Trước khi nấu cơm thiện nguyện, anh Hữu Tình cũng từng hỗ trợ các điểm xét nghiệm, trợ giúp siêu thị ở TP Thủ Đức. “Mới đây, khi biết Trung tâm Cấp cứu 115 cần người lái xe cứu thương, tôi đăng ký nhưng đã hết chỗ”, anh chia sẻ. Khi được hỏi về lý do duy trì việc thiện, anh nói: “Tôi muốn góp chút sức lực để mọi người cầm cự đến khi hết dịch. Làm những điều này, tôi có nhiều cảm xúc: vui vì giúp được người khác, buồn vì mình không thể làm nhiều thứ hơn”. Thông qua từng món quà và những bước chân đến với ai đó đang cần, anh muốn nhắn nhủ rằng: “Tôi đã cố gắng đến với mọi người như vậy thì mỗi người cũng phải cố gắng hơn, kiên trì hơn”.

Những ngày này, không thiếu những người làm việc thiện xung quanh ta. Có những người lần đầu làm việc thiện, nhưng cũng có người đã lâu năm, như anh Phạm Hữu Tình gắn bó việc thiện 10 năm tròn. Động lực thì nhiều, nhưng động lực lớn nhất có lẽ vì đó là việc trái tim cho rằng cần phải làm điều gì đó cho đồng bào mình.

Tin cùng chuyên mục