Giao Vụ Công tác đại biểu kiểm tra thông tin ĐBQH TPHCM Phạm Phú Quốc bị cáo buộc “mua” hộ chiếu Cộng hoà Síp

Sáng 25-8, trao đổi với phóng viên báo SGGP về thông tin Đại biểu Quốc hội TPHCM Phạm Phú Quốc có tên trong danh sách các chính trị gia “mua” hộ chiếu châu Âu, ông Trần Văn Tuý, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết, ông đã giao Vụ Công tác đại biểu kiểm tra thông tin này. 
ĐBQH Phạm Phú Quốc trúng cử ĐBQH khoá 14 khi đang là Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM. Ông hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC)
ĐBQH Phạm Phú Quốc trúng cử ĐBQH khoá 14 khi đang là Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM. Ông hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC)

Tuy nhiên, ông Tuý lưu ý rằng, cần rất thận trọng khi xem xét thông tin từ các trang thông tin nước ngoài. Tổng thư ký, Người phát ngôn của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ông chưa có thông tin gì về việc này và đề nghị báo chí xác minh cẩn trọng, bởi ngay cả trang thông tin của Quốc hội Việt Nam cũng bị giả mạo.

Trước đó, Hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) tung ra một tài liệu mật cho thấy chương trình hộ chiếu của Cộng hoà Síp (Cyprus), một quốc gia châu Âu, cho phép các chính trị gia “dễ tham nhũng” mua hộ chiếu châu Âu. Đại biểu Quốc hội của TPHCM Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera cáo buộc có tên trong danh sách này.

Hãng tin này đã tung ra một loạt bài viết của nhóm điều tra Al Jareeza dựa trên cái gọi là “The Cyprus Paper” (Hồ sơ Cyprus), cho biết chương trình hộ chiếu của Cyprus cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa với việc cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.

Theo Al Jareeza, hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua thứ gọi là “hộ chiếu vàng” (golden passport) này từ thời điểm cuối 2017 đến cuối 2019 (thời điểm mà Al Jazeera thu thập được hồ sơ, còn chương trình này của Cộng hoà Síp đã được thực hiện từ 2013). Các hồ sơ “mua” hộ chiếu đến từ 70 quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều nhất là từ Nga (1.000 trường hợp), Trung Quốc (500 trường hợp) và Ukraina (100 trường hợp). Bên cạnh đó, cũng có các công dân của Anh, Mỹ, Mali và Morocco, Israel, Palestine, Nam Phi, Hàn Quốc và Saudi Arabia.

Đại biểu Quốc hội TPHCM Phạm Phú Quốc được Al Jazeera điểm tên trong danh sách này. Danh sách còn có anh/em trai của cựu Thủ tướng Lebanon; Người phát ngôn Hạ viện Afghanistan Mir Rahman Rahmani, vợ và 3 con gái của ông này. Rahmani là một cựu tướng lĩnh quân đội, sau đó đã trở thành một doanh nhân giàu có nhờ quản lý các hợp đồng nhiên liệu và vận tải giữa chính phủ Afghanistan và quân đội Mỹ. Igor Reva, người đã từng là Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga cũng có tên trong danh sách.

Chính sách này của Cộng hoà Síp đã bị các nước châu Âu chỉ trích và đã được sửa đổi vào tháng 2-2019. Tuy nhiên, những người đã sở hữu hộ chiếu trước đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này. Được hỏi về thông tin này, ĐB Phạm Phú Quốc cho biết, ông chưa nghe tin này và thông tin trên là “không chính xác”.

Theo quy định tại Điều 17 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam: Công dân nước CHXHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam; và Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam: Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Như vậy, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Nếu công dân Việt Nam nào muốn đăng ký một quốc tịch khác thì phải làm thủ tục (đã được quy định rõ tại Mục 2, từ Điều 27 đến Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam về thôi quốc tịch Việt Nam).

Còn theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) thì Đại biểu Quốc hội cũng chỉ được có một quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, về tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội, để đảm bảo tính chất chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử Đại biểu Quốc hội, Luật mới đã bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch. Theo đó, ngoài những tiêu chuẩn chung, Đại biểu Quốc hội chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (khoản 1a Điều 22).

Mặc dù ngày 24-6-2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch cho phép một số công dân được mang 2 quốc tịch. Cụ thể là các trường hợp người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Phú Quốc không thuộc các trường hợp này và trước đây ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đã từng không được công nhận tư cách ĐBQH khoá 14 (dù đã trúng cử) khi bà sở hữu quốc tịch Malta đồng thời với quốc tịch Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục