Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 22 năm 2019

Giáo viên tiểu học - Bài 2: Khi cô cũng là “mẹ”…

Nếu bậc mầm non được ví như những bước chập chững đầu tiên thì trường tiểu học là nơi trẻ được rèn luyện và khám phá. Ở đó có sự dìu dắt ân cần, lòng yêu thương, sự bao dung nhưng không kém phần nghiêm khắc của những người cô, người thầy.

Trong số những nhà giáo đó, 8 giáo viên được tôn vinh trong Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là những tấm gương sáng về tinh thần tận tụy, trở thành điểm tựa tinh thần cho biết bao thế hệ học sinh khôn lớn.

Viết tiếp ước mơ

Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay đối với cô Trần Thị Ngọc Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học Bình Triệu (quận Thủ Đức), có ý nghĩa đặc biệt. Chia sẻ với chúng tôi, cô Ngọc Hiếu cho biết, mơ ước trở thành giáo viên tiểu học đã được mẹ truyền cho cô từ tấm bé. Thời ấy, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ cô chỉ làm cô giáo một thời gian ngắn rồi nghỉ để bươn chải đủ nghề kiếm sống. Hình ảnh người giáo viên với chiếc áo dài trắng dịu dàng chỉ bảo, vun đắp kiến thức cho nhiều thế hệ học trò đã được cô thay mẹ viết tiếp. Nhưng vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm ngoái, mẹ cô bất ngờ ra đi để lại bao tâm nguyện gửi gắm nơi con gái.

Cô Ngọc Hiếu bày tỏ: “Lúc biết tin mình được Giải thưởng Võ Trường Toản, tôi đã chạy ngay về nhà, đứng trước bàn thờ báo tin vui: Mẹ ơi, con gái cuối cùng đã làm được. Ở nơi nào đó, mẹ có thể mỉm cười an nghỉ”.

Cũng với cái duyên đó, hình ảnh cô giáo đã gieo vào lòng cô Nguyễn Thị Bích Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú), từ khi còn là cô bé lon ton chạy theo chân mẹ vào trường.

Cô Bích Duyên cho biết, mẹ cô từng là giáo viên ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Bản thân cô cũng học tiểu học ở ngôi trường này. Không nhớ từ khi nào bảng đen, phấn trắng đã trở thành một phần ký ức thân thuộc khiến cô sinh viên trẻ sau khi tốt nghiệp trường sư phạm quyết tâm xin về Trường Tiểu học Lê Văn Tám giảng dạy, thực hiện tiếp những dự định của mẹ năm xưa. Giờ đây, thầy cô năm nào đã trở thành đồng nghiệp với cô, từng gốc cây, ghế đá quen thuộc như ngôi nhà thứ hai của cô giáo trẻ.

Giáo viên tiểu học - Bài 2: Khi cô cũng là “mẹ”… ảnh 1 Cô Nguyễn Thị Bích Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú)
Trải qua 10 năm “gõ đầu trẻ”, cô cho biết sợi dây ân tình lớn nhất giữ chân cô với nghề chính là sự trân quý, tôn trọng của phụ huynh và học sinh. Là một trong những giáo viên cốt cán của khối 1, được Phòng GD-ĐT quận Tân Phú chọn dạy thử nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Bích Duyên tâm sự, khó khăn lớn nhất của giáo viên lớp 1 là làm sao cho học trò gần gũi, thân thiết với cô. Để làm được điều đó, giáo viên phải vừa là thầy, đồng thời là người mẹ, người bạn thân của học sinh.

Người thầy tận tâm

Đến lớp học của cô Trần Thị Ngọc Khánh, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là nét chữ đẹp như tranh vẽ. Cô Ngọc Khánh nhớ lại, thời gian đầu khi mới được phân công về trường làm Tổng phụ trách Đội, chữ viết của cô rất xấu. Sau đó, khi được chuyển qua làm giáo viên đứng lớp, cô ý thức việc phải rèn chữ viết.

Giáo viên tiểu học - Bài 2: Khi cô cũng là “mẹ”… ảnh 2 Cô Trần Thị Ngọc Khánh, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình). Ảnh: HOÀNG HÙNG
“Mỗi buổi trưa sau khi kết thúc giờ dạy trên lớp, tôi không về nhà nghỉ ngơi mà ở lại trong lớp. Ròng rã suốt 1 năm trời, trưa nào tôi cũng tập viết chữ trên bảng, tìm đọc thêm các tài liệu hướng dẫn chữ viết trên mạng, rồi tham gia câu lạc bộ thư pháp. Nhờ không ngừng cố gắng, chữ viết của tôi dần cải thiện”, cô Ngọc Khánh cho biết.

Đến nay, qua sự dìu dắt của cô giáo, nhiều học sinh đã đoạt giải thưởng cao tại các hội thi viết chữ đẹp cấp thành phố. Thông qua việc rèn chữ, nhà giáo này mong muốn học sinh của mình được giáo dục tốt hơn về tính cẩn thận, tỉ mỉ, biết giữ gìn tập vở sạch đẹp.

Đối với cô Trần Thị Thùy, giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 9), giáo viên tiểu học là người không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn dạy về đạo đức, tạo ra môi trường học tập an toàn, giúp học sinh mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cá nhân. Cô Trần Thị Thùy cho biết, trong các giờ sinh hoạt trên lớp, cô luôn tạo ra không khí vui tươi, thoải mái, tạo cơ hội cho học sinh “học mà chơi, chơi mà học” thông qua các trò chơi dân gian, thi đấu cờ vua, cờ tướng, xây dựng kệ sách đọc chung... Đặc biệt, khi lớp có học sinh khuyết tật hòa nhập, cô đều dành nhiều thời gian tìm hiểu, chia sẻ tâm tư, tình cảm với học sinh đó; đồng thời tổ chức thêm các hoạt động giao lưu, giúp các bạn trong lớp có cơ hội gần gũi, giúp đỡ bạn học kém may mắn. Cô giáo trẻ luôn tâm niệm, mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt, nhiệm vụ của giáo viên là tạo ra môi trường học tập phù hợp, giúp học sinh phát triển khả năng tư duy và sáng tạo.

Danh sách giáo viên tiểu học được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các cô: Nguyễn Thị Thiên Ân, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp); Phạm Thị Kiều Vân, giáo viên Trường Tiểu học Tạ Uyên (huyện Nhà Bè) và Đoàn Thị Thu, giáo viên Trường Tiểu học Cần Thạnh 2 (huyện Cần Giờ).

Riêng với cô Trần Thị Thẩm, giáo viên Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 2), nghề giáo viên tiểu học được cô trân trọng định nghĩa bằng 4 chữ “nghề của yêu thương”. Bởi nếu không có tình yêu thương, đến với nghề bằng cái tâm trong sáng, tận tụy hết lòng vì học sinh, giáo viên sẽ khó làm tròn thiên chức “trồng người”. Cô Trần Thị Thẩm cho biết, sau 29 năm đi dạy, phần thưởng lớn nhất đối với cô không phải là giải thưởng, thành tích mà là sự tin yêu, tiến bộ của học trò. Các em có thể gọi cô bằng nhiều tên gọi khác nhau, nhưng sau khi ra trường vài chục năm mà vẫn nhớ và quay về thăm cô giáo cũ, đó là hạnh phúc nhận lại từ sự “cho đi” mà không phải nghề nào cũng có được.

Tin cùng chuyên mục