Giáo viên phải luôn là hình ảnh mẫu mực

Thời gian gần đây, dư luận lên án những hành vi thiếu tình người, thậm chí nhẫn tâm, vô đạo của một số phụ huynh hành xử đối với chính giáo viên dạy con mình. Khi dư luận xã hội đang có sự đồng thuận và sẻ chia đối với thầy cô, thì lại xảy ra 2 sự việc giáo viên bạo hành tinh thần và thể xác đối với học sinh. Báo SGGP trích giới thiệu ý kiến của bạn đọc về 2 vụ việc này.
Giáo viên về dạy ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) thiếu thốn về mọi mặt nhưng luôn nỗ lực hết mình vì học trò thân yêu. Ảnh: THU HƯỜNG
Giáo viên về dạy ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) thiếu thốn về mọi mặt nhưng luôn nỗ lực hết mình vì học trò thân yêu. Ảnh: THU HƯỜNG

Giữ uy tín chân chính đối với học trò

Một cô giáo Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TPHCM) đã im lặng suốt nhiều tháng khi đứng lớp tại một lớp học, và một cô giáo Trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, TP Hải Phòng) đã phạt một nữ sinh lớp 3 phải uống nước giẻ lau bảng vì nói chuyện trong lớp. Đó là những hành động thể hiện sự thất bại trong nghề giáo. Dư luận xã hội rất thông cảm cho đội ngũ giáo viên hiện nay chịu sức ép rất lớn từ nhiều phía, nhất là khi vì một lý do nào đó còn uẩn khúc khiến đời sống tinh thần của họ bất an. Tuy nhiên, cách giải quyết của 2 cô giáo ấy đã thể hiện sự phản ứng tiêu cực, không thể chấp nhận. 
Ai cũng biết rằng người giáo viên ảnh hưởng quan trọng thế nào đối với học sinh, hình ảnh giáo viên phản chiếu trực tiếp đến học sinh về cả về nhận thức, tình cảm và ý chí, hay nói cách khác, họ chính là người làm cho học sinh nghe, hiểu, tin và làm theo. Tuy nhiên, khi giáo viên không tâm huyết nghề dạy học, cảm thấy không còn hứng thú với bài giảng, không có lòng yêu học trò, không cư xử mẫu mực, tiêu cực về tư tưởng, phương hướng chính trị, thì họ không có thể làm tròn thiên chức của mình. Khi giáo viên không còn mối quan hệ thầy - trò tích cực, thì chắc chắn cũng không còn tha thiết với công việc của mình. 
Uy tín của giáo viên có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh. Do đó, mỗi nhà giáo khi theo nghiệp sư phạm thì hãy phấn đấu tu dưỡng để có nếp sống văn hóa cao, phong cách mẫu mực, tạo ra và gìn giữ uy tín chân chính đối với học trò. Mỗi nhà giáo phải ý thức rõ trong việc xây dựng mối quan hệ thầy trò tích cực, vừa nghiêm túc nhưng lại gần gũi thân thiện, chân thành yêu thương và tin tưởng học sinh của mình, phải là người chủ động tạo ra các mối quan hệ tích cực trong quan hệ thầy trò. Bất luận trong hoàn cảnh nào đi nữa, người giáo viên cũng không được bộc lộ cảm xúc tiêu cực trên bục giảng, vì khi tâm trạng không tốt thì mọi lý lẽ giáo dục cũng không có ý nghĩa. 
Thạc sĩ LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)

Tấm gương người thầy

Sự nêu gương của người thầy chính là bài học cụ thể, sinh động, thiết thực và thuyết phục nhất cho học sinh. Thế nhưng có những chuyện đáng tiếc đã xảy ra ở một số thầy cô đứng lớp. Có giáo viên đã đánh học sinh đến thương tích thì liệu có thể giảng giải gì về lòng nhân ái? Có giáo viên đã im lặng, không giảng bài suốt nhiều tháng thì liệu có thể dạy gì về sự tận tụy, tận tâm với công việc? Có giáo viên phạt học trò phải uống nước giẻ lau bảng thì liệu có thể dạy gì về sự tuân thủ pháp luật, tôn trọng sức khỏe, nhân phẩm của người khác? Có giáo viên lên lớp giảng bài qua loa, chủ yếu “vận động” học sinh đến học thêm ở nhà mình thì liệu có thể dạy gì về sự trung thực, tính công bằng, tinh thần trách nhiệm?... Còn những câu chuyện giáo viên thiếu chuẩn mực như vậy, dù rằng chúng ta đều hiểu đó là hiện tượng cá biệt trong một số ít giáo viên thôi, nhưng cũng khiến chúng ta không yên tâm về việc học của con em chúng ta, cũng như không thể hài lòng về chất lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường.
Dĩ nhiên chúng ta không đòi hỏi người thầy là những cá nhân hoàn hảo, những tấm gương toàn diện, vì đó là đòi hỏi phi lý và không tưởng, nhưng chúng ta có quyền đòi hỏi người thầy khi đứng lớp hoặc xuất hiện trong trường thì phải “cho ra thầy”. Điều này đã được đề cập cụ thể trong Quy định về đạo đức nhà giáo, được ban hành năm 2008, với các yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, tác phong, về giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo với 23 điều cụ thể. Nếu khái quát hơn, có thể chỉ cần các đòi hỏi rất cơ bản là yêu nghề, yêu trường lớp, yêu học trò, thì cũng đã là đủ để có tình thương, trách nhiệm, sự tận tụy. Chính điều đó đã tạo ra một hình mẫu thuyết phục về tấm gương người thầy rồi.
Dẫu xã hội có nhiều thay đổi về lối sống, nhận thức…, nhưng vai trò của người thầy vẫn được tôn vinh, trân trọng. Để thuyết phục được học sinh về các bài giảng, bài học, nhất là các bài học về đạo đức, thì chính người thầy phải là một tấm gương.
NGUYỄN MINH HẢI (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục