Giáo viên Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên: Hạnh phúc khi học trò thành đạt

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa thầy sẽ nghỉ hưu, nhưng trước đó thầy đã kịp trang bị cho mình tấm bằng tiến sĩ. Còn cô thì lèo lái “con thuyền” giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) từ ngôi trường làng vươn lên tốp đầu của thành phố. Để ghi nhận công lao đóng góp đó, Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay vinh danh 2 thầy cô giáo đến từ các Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn thành phố.

Truyền cảm hứng học tập suốt đời

Mới tiếp xúc lần đầu, người đối diện đã cảm nhận được ở Tiến sĩ Trần Tiến Đức, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX quận 11, lòng say mê, nhiệt thành với công việc “trồng người”. Càng làm việc chung, mọi người càng quý mến và cảm phục đức tính này của thầy. Bằng lòng yêu nghề, không lùi bước trước khó khăn, thầy đã khơi gợi sự yêu thích học tập, giúp học trò của mình xây dựng tương lai bằng tri thức, hoặc bước vào đời với một tay nghề vững chắc.

Tiến sĩ Trần Tiến Đức, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX quận 11, hướng dẫn học sinh học online

Năm 1989, tốt nghiệp cùng lúc ngành công nhân kỹ thuật ô tô máy kéo (Trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ thành phố) và khoa Hóa - Địa (Trường Cao đẳng Sư phạm), anh Đức lựa chọn con đường trở thành công nhân bảo trì máy dệt, máy may tại Nhà máy Indira Gandhi. “Tôi vẫn chấp nhận làm công việc trái nghề vì theo tôi, mỗi công việc đều có cái hay riêng”, Tiến sĩ Trần Tiến Đức kể.

Ở nhà máy, anh công nhân Trần Tiến Đức say mê làm việc, say mê học hỏi để tìm hiểu những ưu, khuyết điểm về kỹ thuật liên quan đến công việc của mình. Từ đó, anh đưa ra nhiều sáng kiến giải quyết các nhược điểm của máy móc, góp phần quan trọng giúp nâng cao năng suất sản xuất, góp phần tiết kiệm cho đơn vị nhiều tỷ đồng thay vì phải nhập, mua thiết bị thay thế từ nước ngoài… Dù công việc bận rộn, anh vẫn không ngừng học tập, tự trau dồi kiến thức. Chỉ trong thời gian ngắn, anh tốt nghiệp cử nhân khoa học Toán và kỹ sư cơ khí chế tạo máy Trường Đại học Bách khoa, đồng thời hoàn thành chứng chỉ bổ túc kiến thức hoàn thiện chương trình chính quy của Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Song song đó, hàng đêm, anh phụ trách giảng dạy môn Toán tại Trung tâm bổ túc văn hóa quận 11 (nay là Trung tâm GDNN-GDTX quận 11), được nhiều học trò yêu mến.

Tiến sĩ Trần Tiến Đức tâm sự: “35 năm gắn bó với các lớp học ban đêm, gần nhất là tôi truyền dạy kiến thức cho lứa học sinh sinh năm 1990, 2000; bằng sự rèn giũa, nhiều em trở thành sinh viên của các trường tốp đầu như Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế... Năm nào vào dịp lễ, tết các em cũng về tri ân thầy cô, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời dạy học của tôi”.

Thầy Trương Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận 11, cho biết, thầy Trần Tiến Đức là tấm gương sáng về tự học suốt đời để thế hệ trẻ noi theo. Từ xuất phát điểm là học trò của trung tâm, bằng sự nỗ lực vượt bậc, từ người công nhân, thầy vươn lên là kỹ sư, rồi nhà giáo và đặc biệt năm 2020 thầy lấy được bằng tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học kỹ thuật tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài công việc chính là giáo viên tại trung tâm, thầy Đức còn là giảng viên khoa Sư phạm giáo dục nghề nghiệp Trường Cao đẳng nghề TPHCM; tham gia cộng tác với các cơ sở đào tạo như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM và chi nhánh Cần Thơ; Viện Công nghệ châu Á (TPHCM); Trường Đào tạo doanh nhân PTI (Hà Nội)…

“Thầy Trần Tiến Đức đã ứng dụng những kiến thức thực tiễn vào quá trình giảng dạy như: module Logic học; tổ chức quản lý bảo trì... nhằm góp phần làm sinh động thêm bài giảng của mình trong quá trình truyền đạt kiến thức đến học sinh, sinh viên. Ngoài công tác giảng dạy, thầy Đức đã trải nghiệm thực tế về công tác trực tiếp sản xuất, quản trị sản xuất, đào tạo trong doanh nghiệp, trường học và góp phần làm giảm chi phí, làm lợi cho nhà máy. Từ những thành tích này, thầy đã từng đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2002” - thầy Trương Minh Tuấn nói thêm.

Tình thương không nói được bằng lời

Cô Đặng Ngọc Thu vào ngành năm 2002. So với thế hệ đi trước thì khoảng thời gian đó chưa phải là dài, song tất cả những gì cô làm cho các ngôi trường đã đi qua cho thấy cô là một trong những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, tận tâm với nghề, tận lực với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cô Đặng Ngọc Thu được phân công về công tác tại Trung tâm GDTX quận 10 (nay là Trung tâm GDNN- GDTX quận 10). Lúc nhận quyết định, cô không đắn đo, suy nghĩ nhiều bởi cô Thu quan niệm, được làm đúng chuyên môn, được đứng trên bục giảng thì dù về bất cứ ngôi trường nào cô cũng sẵn sàng.

Cô Đặng Ngọc Thu và các em học sinh Trung tâm GDNN-GDTX quận 6

Thời gian đầu, tuy có bỡ ngỡ, nhưng cô Thu luôn phấn đấu, nỗ lực rèn luyện, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm để có thể đem hết kiến thức truyền đạt cho học trò. Công tác tại trung tâm mới 7 năm, nhưng suốt từ năm 2003 đến 2009, năm nào cô cũng có học trò đoạt giải Học sinh giỏi môn Toán cấp thành phố. Nhiều năm liền, cô Thu là giáo viên giỏi của trung tâm, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm GDTX quận 10 giai đoạn 2009-2012. Đến năm 2013, cô Đặng Ngọc Thu được phân công về làm Giám đốc Trung tâm GDTX quận 6 (nay là Trung tâm GDNN-GDTX quận 6).

Khi về làm Giám đốc Trung tâm GDTX quận 6, cô Đặng Ngọc Thu vẫn không khỏi mất ăn, mất ngủ. Cô tâm sự: “Lúc đó trung tâm cái gì cũng thiếu, từ cơ sở vật chất tạm bợ đến chất lượng dạy và học cứ bình bình, giậm chân tại chỗ. Chưa hết, học sinh phần lớn là công nhân, người lớn tuổi, do địa bàn quận giáp ranh với quận Bình Tân, nơi tập trung đông phân xưởng, công ty nên học trò người ngoại tỉnh rất nhiều. Có em đi học mà xăm trổ khắp người trông rất dữ dằn, bặm trợn. Tôi đã dành nhiều thời gian để quan tâm, tìm hiểu đến hoàn cảnh của các em, sinh hoạt rất nhiều với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tâm tư của học trò. Có nhiều hoàn cảnh đặc biệt mà chính bản thân tôi khi giúp đỡ cũng không cho các em biết vì sợ các em sẽ mặc cảm”.

Suốt buổi trò chuyện, cô Đặng Ngọc Thu cuốn hút người đối diện bởi giọng nói nhẹ nhàng, ân cần. Cô cũng khiến người nghe khâm phục khi không phân biệt hay âu lo với những em cá biệt, mà ngược lại còn luôn bảo vệ học trò. Bởi như cô chia sẻ, học sinh cá biệt không phải do lỗi của các em, nhiều khi sự cá biệt đó là do hoàn cảnh và cuộc sống đưa đẩy… Bản thân cô cùng đồng nghiệp luôn lấy tình yêu thương để cảm hóa học trò, nhất là những em cá biệt. Và đến nay, trung tâm không còn học sinh nào xếp vào dạng cá biệt, ngỗ ngược với bạn bè, thầy cô.

Nhờ có môi trường sư phạm tốt, cơ sở vật chất của trường tiếp tục được hoàn chỉnh, xây dựng mới với quy mô 1 tầng hầm, 1 trệt, 5 lầu trên diện tích gần 1.000m2, có tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 8-2022 sẽ đưa vào hoạt động. Trung tâm hiện thu hút đến 1.800 học sinh, tăng gần 3 lần so với năm 2013. Liên tục trong 5 năm trở lại đây, trung tâm là 1 trong 5 đơn vị dẫn đầu thành phố về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT; đạo đức của học viên ngày càng được nâng lên, các em biết quan tâm, chia sẻ khó khăn với bạn bè, biết đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ trong học tập và biết chia sẻ khó khăn với cộng đồng xã hội. Tập thể sư phạm nhà trường luôn đạt thành tích xuất sắc khi nhận được bằng khen của Bộ GD-ĐT và 4 lần liên tiếp được nhận bằng khen của UBND TPHCM về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Đặc biệt, năm nào trung tâm cũng có nhiều học sinh giỏi cấp thành phố.

Dù đạt được rất nhiều thành tích tập thể và cá nhân, nhưng khi được hỏi điều gì khiến cô cảm thấy hạnh phúc sau 19 năm lăn lộn với nghề, cô Đặng Ngọc Thu tâm sự: “Điều tôi hạnh phúc và vui nhất là các em khi vào trung tâm thì không còn nghĩ đến chuyện bỏ học. Sau khi thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, đi học nghề… nhiều em đã trở về trường, thăm và giúp đỡ lại những em khác. Dù các em chưa thành danh nhưng điều hạnh phúc của người thầy là các em đã thành nhân, thành đạt. Các em chính là một phần của đời tôi”.

Tin cùng chuyên mục