Giáo dục STEM: Định hướng tương lai cho giới trẻ

Tại Việt Nam, khái niệm về giáo dục STEM còn mới mẻ. Từ năm học 2015-2016 mới được Bộ GD-ĐT thí điểm đưa vào giảng dạy ở 15 trường phổ thông ở 5 tỉnh phía Bắc.
Học sinh TPHCM hào hứng với sân chơi lắp ráp robotic
Học sinh TPHCM hào hứng với sân chơi lắp ráp robotic
Nhằm trang bị kiến thức cho công dân thế kỷ 21 đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thời công nghệ 4.0, nhiều nước trên thế giới đã chú trọng phương pháp giáo dục STEM và mở rộng mô hình này từ bậc học thấp như mẫu giáo, tiểu học. Còn ở Việt Nam, giáo dục STEM mới khởi động ở một số trường phổ thông và đang trong quá trình thí điểm.
Giáo dục STEM là gì?
Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, giúp người học gắn kết lý thuyết với thực tế cuộc sống. STEM được đánh giá là mô hình giáo dục diện rộng trong tương lai gần của thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm về giáo dục STEM còn mới mẻ và từ năm học 2015-2016 mới được Bộ GD-ĐT thí điểm đưa vào giảng dạy ở 15 trường phổ thông ở 5 tỉnh phía Bắc.
Với thành quả ban đầu là 50 sản phẩm giáo dục triển khai theo định hướng STEM, giáo viên, học sinh đã có cái nhìn sâu rộng hơn về phương pháp giáo dục STEM. Bắt đầu từ những ý tưởng sáng tạo, gắn với thực tế phát triển ở địa phương, các trường đã chọn các dự án gần gũi, thiết thực. Cụ thể như dự án “Trồng cây thâm canh trên phần mái” của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tỉnh Nam Định. Học sinh phải đào sâu nghiên cứu về đặc điểm các loại đất, loại nước ở tỉnh mình để tìm ra giải pháp thâm canh phù hợp. Các thầy cô chủ nhiệm dự án còn kết nối học trò đến trải nghiệm, học tập kinh nghiệm tại nông trại trồng rau sạch theo phương pháp của người Nhật. 
Không những thế, những trường thí điểm giáo dục STEM này còn mở rộng hoạt động của các câu lạc bộ ngoại khóa, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với STEM, giúp các em phát huy khả năng vận dụng kiến thức và tính sáng tạo của mình thông qua việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề thực tiễn. 
Tránh kiểu lắp ghép cơ học
Thời gian gần đây, nhiều trường học ở TPHCM đã đẩy mạnh việc dạy học theo dự án hoặc theo chủ đề tích hợp các môn khoa học tự nhiên. Tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật và dạy học sáng tạo của TPHCM, rất nhiều sản phẩm, dự án đã vận dụng kiến thức tích hợp các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán. 
Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Trung học Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Vấn đề cốt lõi của giáo dục STEM là kết hợp kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán và để đạt được hiệu quả thì nhà trường phải định hướng thực hành, ứng dụng chúng vào thực tế từ những điều đơn giản nhất. Vì thế, việc quan trọng để thích ứng với giáo dục STEM là phải chuyển đổi tư duy dạy và học theo phương pháp mới, sáng tạo, linh hoạt. Cần nghiên cứu để các bài học trở nên sinh động, đưa kiến thức đã học vào ứng dụng thực tiễn”. Cũng theo ông Tiến, trong năm học mới này, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ triển khai tập huấn cho các trường học để giáo viên làm quen với phương pháp giáo dục STEM từ những bước đơn giản nhất đến nâng cao và ứng dụng thực hành vào từng bài giảng. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của các trường học chính là tạo ra môi trường thực hành, trải nghiệm đúng nghĩa và giúp học sinh phát triển ý tưởng, nuôi dưỡng đam mê sáng tạo từ khi còn nhỏ đến bậc học cao hơn. 
Dù giáo dục STEM còn mới mẻ nhưng nhiều trường tiểu học, THCS đã chú trọng tạo sân chơi, phát triển câu lạc bộ ươm mầm trí tuệ, sáng tạo khoa học kỹ thuật, trong đó có chương trình Robotics… Được hòa mình vào những sân chơi trí tuệ này, học sinh không chỉ đam mê mà còn hào hứng, thể hiện ý tưởng sáng tạo riêng biệt, tạo ra những sản phẩm gắn với cuộc sống. Thiết kế theo hướng tích hợp các kỹ năng, kiến thức của 4 môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM), chương trình Robotics đã trang bị cho học sinh kiến thức về khoa học tự nhiên, nguyên lý cơ bản của các loại hình robot. Được khám phá kiến thức, tiếp cận với thiết bị thông minh và thực hành lắp ráp các mô hình robot, cách lập trình điều khiển..., học sinh cảm thấy việc học nhẹ như chơi. 
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT, thông qua phương pháp giáo dục STEM, học sinh vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn một cách sáng tạo. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học, kỹ thuật cần dạy. Và để giải quyết vấn đề nào đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề đó (qua tài liệu, thiết bị, công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra. Đây chính là những năng lực cần thiết và quan trọng mà mỗi con người cần có để đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, kỹ thuật như hiện nay. Như thế, việc định hướng phát triển giáo dục STEM ở chương trình giáo dục phổ thông mới là cần thiết nhằm trang bị kiến thức, hành trang cho học sinh Việt Nam hội nhập với thị trường lao động thời 4.0.

Tin cùng chuyên mục