Giao dịch nhà đất chững lại do giá cao

Sau gần 2 năm bị vướng pháp lý, hiện nay rất nhiều dự án nhà ở đã được phê duyệt mở bán. Tuy nhiên, trước sức mua yếu khiến nhiều người lo ngại, phải chăng thị trường sẽ bước vào đợt suy giảm mới?

No dồn, đói góp

Thông tin khích lệ nhất chính là 3 dự án bất động sản (BĐS) được tháo gỡ khó khăn, dựa theo văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp tổ công tác về đầu tư trên địa bàn thành phố mới đây. Có tác động tích cực đến thị trường BĐS chính là dự án Diamond Lotus Lakeview tại số 96 Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, do Công ty TNHH BĐS Ngôi Nhà Xanh làm chủ đầu tư.

Dự án Diamond Lotus Lakeview có diện tích 11.458m2, gồm 3 tháp cao 21 tầng, với khoảng 1.000 căn hộ. Hai dự án còn lại được tháo gỡ là Khu tứ giác Bến Thành, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, do Bitexco làm chủ đầu tư và dự án chung cư cao tầng tại số 28/9 đường Trần Trọng Cung, phường Tân Thuận Đông, quận 7 do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư.

Giao dịch nhà đất chững lại do giá cao ảnh 1 Khởi công một dự án BĐS ở huyện Nhà Bè, TPHCM

Trong khi đó, chỉ tính từ tháng 8 đến tháng 11 năm nay, Sở Xây dựng TPHCM đã công bố danh sách 21 dự án đủ điều kiện được bán nhà hình thành trong tương lai. Dự án có số lượng căn hộ nhiều nhất thuộc về Công ty cổ phần Phát triển Thành phố xanh, quận 9, với hơn 10.000 căn hộ. Như vậy, số lượng nhà ở được phê duyệt để chủ đầu tư đưa ra thị trường năm nay đã đạt gần 2/3 so năm ngoái và gần một nửa so với năm “thịnh vượng” 2017.

Những diễn biến nêu trên cho thấy thị trường BĐS thời gian tới sẽ bội thực nguồn cung. Nếu so với lượng dự án được phê duyệt nhỏ giọt trước đây, thị trường BĐS rơi vào tình cảnh không khác gì “no dồn, đói góp”.

Nguy cơ “đóng băng”

Qua ghi nhận tại một số sàn giao dịch BĐS, câu chuyện nóng nhất hiện nay chính là giá nhà đất, căn hộ… quá cao!

Một nhân viên của sàn giao dịch khu Trung Sơn (Bình Chánh) cho biết, trước đây giá đất nền khu vực chừng 60 triệu đồng/m2 thì còn có giao dịch. Nhưng chủ đất ngày càng đẩy giá cao lên, hiện nay trên 100 triệu đồng/m2, thì gần như không có giao dịch. Khách hàng chỉ đến hỏi, nghe nói giá là bỏ đi, không trả treo gì.

Tương tự, tại quận 9, một dự án nhà phố mới công bố giá khiến khách hàng cực kỳ thất vọng. Đặc biệt, các nhà đầu tư có dự định mua để lướt sóng đã tiu nghỉu bỏ cuộc. Chủ đầu tư xây nhà thô mới bán, nhưng chỉ tính riêng tiền đất đã trên 150 triệu đồng/m2. “Một cái giá quá bất hợp lý, còn đắt hơn nhà tôi ở tại nội thành”, anh Nguyễn Nhơn chua chát nói. 

Trong khi đó, với số dự án được phép mở bán do Sở Xây dựng công bố, giá thành cũng rất cao. Có dự án cách trung tâm TP từ 1 - 2 giờ di chuyển mà giá chào bán đến hơn 30 triệu/m2 ở chung cư; dự án có giá cao nhất cũng trên 90 triệu đồng/m2 (chỉ tính đơn giá xây dựng trên mỗi mét vuông, tức là chưa trừ đi các chi phí khác như mật độ xây dựng, cột kèo, hành lang)...

Giá nhà đất tăng ngất ngưởng không chỉ xuất hiện ở khu Đông TP như quận 2, quận 9 vì được đầu tư hạ tầng khá mạnh, mà cũng tăng mạnh ở các quận huyện khác.

Giá nhà đất leo thang, dẫn tới bùng nổ những căn hộ siêu sang. Công ty Nghiên cứu thị trường Savills cho hay, thời gian qua BĐS cao cấp là một điểm nóng; đã xuất hiện căn hộ chào bán với giá 334 triệu đồng/m2, phá vỡ kỷ lục cũ 220 - 240 triệu đồng/m2 của năm 2018. Với mức giá trên, căn hộ hạng sang ở TPHCM sẽ tiệm cận với những thị trường đắt đỏ khác như Bangkok, Kuala Lumpur.

Trước diễn biến “kỳ lạ” của thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, lo ngại: “Đang có sự lệch pha nguồn cung về phân khúc nhà ở cao cấp, chiếm tỷ trọng 70% - 80% tổng số nhà ở đưa ra thị trường”. Như vậy, thị trường BĐS chững lại không phải vì thiếu nguồn cung mà do giá đã thoát đi quá xa so với thực tế. Giá nhà bị đẩy lên quá cao sẽ dẫn tới giao dịch chững lại, một nguy cơ “đóng băng” BĐS đang hiển hiện trước mắt.

Tin cùng chuyên mục