Giao dịch codotel/căn hộ du lịch sụt giảm mạnh

Số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy khối lượng giao dịch căn hộ du lịch (condotel) giảm mỗi năm 5 – 10%, giá rao bán căn hộ du lịch trung bình năm 2019 giảm 8% so với năm 2018. Trong đó Khánh Hòa, Đà Nẵng là các địa phương chiếm nhiều giao dịch về căn hộ du lịch nhất, năm 2018 lên đến 40.000 giao dịch, nhưng qua năm 2019 thì giảm xuống rất nhiều.
Năm 2019, giao dịch codotel/căn hộ du lịch sụt giảm mạnh
Năm 2019, giao dịch codotel/căn hộ du lịch sụt giảm mạnh

Tối 23-12 tại Đà Nẵng, Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam khu vực miền Trung tổ chức hội thảo “Bất động sản 2020 – Cơ hội và thách thức”.

Theo ban tổ chức, hội thảo lần này nhằm đánh giá tổng quan về thị trường BĐS Việt Nam cũng như khu vực miền Trung; nhận định đa chiều về thị trường, phân tích các chỉ số về nguồn cung - cầu, các quy định mới trong năm 2019 liên quan đến lĩnh vực BĐS cũng như cơ hội và thách thức trong năm 2020. Đây cũng là dịp để kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm cho hơn 300 thành viên tham dự là những nhà phát triển dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các môi giới hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Theo Hiệp hội BĐS, giá rao bán condotel/căn hộ du lịch trung bình năm 2019 giảm 8% so với 2018
Tại hội thảo, các chuyên gia trong giới BĐS nhận định, thị trường BĐS Việt Nam năm 2019 chứng kiến nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án ở miền Trung và miền Nam. Loại hình BĐS có mức độ quan tâm tăng nhiều nhất trong năm là đất nền và chung cư. Thị trường BĐS nghỉ dưỡng ghi nhận mức độ quan tâm tăng ở các thị trường mới nổi như Bình Thuận, Vũng Tàu và Phú Yên.
Giá rao bán condotel/căn hộ du lịch trung bình năm 2019 giảm 8% so với 2018. Thị trường BĐS Đà Nẵng chứng kiến sự gia tăng lượng tin ở loại hình BĐS cho thuê. Mức độ quan tâm giảm ở loại hình đất nền và đất nền dự án. Thị trường 2020 được kỳ vọng sẽ có thêm các dự án đất nền Nam Đà Nẵng nếu được tháo gỡ các vấn đề về pháp lý cũng như các dự án căn hộ ven biển đã và đang triển khai.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường BĐS trong năm 2019 có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là yêu cầu rà soát vấn đề pháp lý của các dự án BĐS, kiểm soát chặt chẽ tín dụng BĐS. Từ đó đã dẫn tới năm 2019 chứng kiến sự trái chiều của thị trường. Trong khi nhu cầu, tỷ lệ hấp thụ của thị trường tăng thì nguồn cung của thị trường lại khan hiếm; lượng dự án khởi công, đủ điều kiện mở bán giảm mạnh, nhất là các dự án nhà ở. Điều này đã khiến giá nhà ở tại một số thị trường như TPHCM, Hà Nội… tăng cao.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS Việt Nam (Bộ Xây dựng), Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, năm 2019, BĐS tiếp tục được hỗ trợ của tăng trưởng kinh tế vĩ mô, đời sống của đại bộ phận người dân được cải thiện, tầng lớp trung lưu tăng nhanh đã góp phần tăng cầu trong lĩnh vực BĐS; thị trường BĐS tiếp tục phát triển nhưng cũng đầy khó khăn. Năm 2019, thị trường BĐS du lịch có sự điều chỉnh do một số dự án codotel/căn hộ du lịch không còn khả năng chi trả lợi nhuận cho nhà đầu tư như đã cam kết. Vì thế, cần khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như tái cơ cấu thị trường đối với codotel/căn hộ du lịch.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng nhận định, thị trường BĐS năm 2020 được dự báo sẽ tiếp tục phát triển ổn định do nhu cầu về nhà ở, dịch vụ thương mại, BĐS công nghiệp, BĐS du lịch vẫn tăng cao; tăng trưởng kinh tế ổn định và tiếp tục phát triển với tốc độ cao; đầu tư nước ngoài (kể cả doanh nghiệp cũng như cá nhân), kiều hối có xu hướng tăng mạnh hơn năm 2019. Tuy nhiên, thị trường BĐS năm 2020 sẽ tiếp tục gặp thách thức về nguồn cung và giá cả, nhất là BĐS nhà ở. Vì vậy, khi thị trường BĐS gặp khó khăn thì những nhà môi giới, những người làm cầu nối giữa người bán và ngoài mua càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nguồn cung mới cũng như những phân khúc thị trường mới.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, hiện Hiệp hội BĐS Việt Nam và Hội Môi giới BĐS Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS, pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, thuế, condotel, officetel… để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển ổn định và lành mạnh.

Số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy khối lượng giao dịch căn hộ du lịch (condotel) giảm mỗi năm 5 – 10%, giá rao bán căn hộ du lịch trung bình năm 2019 giảm 8% so với năm 2018. Trong đó Khánh Hòa, Đà Nẵng là các địa phương chiếm nhiều giao dịch về căn hộ du lịch nhất, năm 2018 lên đến 40.000 giao dịch, nhưng qua năm 2019 thì giảm xuống rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho rằng, sự sụt giảm của thị trường codotel/căn hộ du lịch là cơ hội để điều chỉnh lại cơ cấu nguồn hàng BĐS du lịch.

“Do chúng ta tranh luận mãi về vấn đề pháp lý nên đến vừa rồi mới giải quyết xong. Chúng tôi tuyên bố hiện nay cơ sở pháp lý của BĐS du lịch, trong đó có biệt thự du lịch, căn hộ du lịch cơ bản đã được điều chỉnh. Chỉ còn một vài điểm nhỏ hiện thuộc lĩnh vực của Bộ Xây dựng đang nghiên cứu. Đó là quy chuẩn, tiêu chuẩn. Chúng tôi đã lấy ý kiến của Bộ KH-CN và chắc chắn sẽ ban hành trong thời gian tới. Còn các quy định về đầu tư xây dựng, đặc biệt có một nội dung rất quan trọng là quy chế quản lý, kinh doanh BĐS du lịch, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch đã được Bộ VH-TT-DL ban hành tháng 10-2019. Vì vậy, từ nay trở đi không thể nói là thiếu cơ sở pháp lý đối với lĩnh vực BĐS du lịch, trong đó có căn hộ du lịch. Đến nay, cơ sở pháp lý đã rõ và hy vọng trong năm 2020, loại hình BĐS này sẽ có cơ cấu lại” – ông Khởi cho biết.

Tin cùng chuyên mục