Gian nan xây dựng thương hiệu gạo Việt

Lâu nay nhiều người vẫn ưa chọn gạo nàng thơm Chợ Đào, ST24, ST25… cho bữa cơm hàng ngày; đây là dấu ấn của các loại gạo đã khẳng định được chất lượng. Cách đây 4 năm, tại Festival Lúa gạo Việt Nam ở Long An, Bộ NN-PTNT chính thức công bố logo thương hiệu Gạo Việt Nam với dòng chữ “Vietnam Rice”. Thế nhưng, vẫn còn nhiều điều phải nói về câu chuyện thương hiệu gạo Việt.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa để bán cho thương lái
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa để bán cho thương lái

Gạo ST lên ngôi, Chợ Đào loanh quanh Mỹ Lệ

Vụ lúa đông xuân 2022 sắp đến kỳ thu hoạch, nhiều xã viên ở HTX Tân Long (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) vui mừng khi lúa được bao tiêu với giá cao. Khoảng 140ha lúa, trong đó có 50% là giống ST24 của xã viên được HTX bao tiêu với giá 7.300 đồng/kg; những nông dân làm đúng quy trình (sản xuất sạch) được cộng thêm 1.000 đồng/kg. Như vậy, với giá bao tiêu 8.300 đồng/kg, nông dân trồng lúa thơm ST24 đạt lợi nhuận trên mức 50%.

Song, ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long nhìn nhận: “HTX chỉ dám đặt hàng nông dân trồng lúa thơm khi tìm đầu ra chắc chắn từ doanh nghiệp. HTX không dám đặt hàng trồng nhiều lúa thơm vì không đủ vốn để mua, sẽ đánh mất niềm tin với nông dân”. Hiện khách hàng từ Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ… đặt mua gạo sạch Vị Thủy do HTX Tân Long sản xuất khoảng 7.000 tấn. Ông Nguyễn Văn Thích nói thêm: “Kỹ năng trồng lúa của xã viên đang dần thuần thục. Chúng tôi kỳ vọng, các doanh nghiệp sẽ biết và sớm đặt hàng để mở rộng sản xuất, đưa hạt gạo sạch đi xa hơn, nông dân dễ thở hơn”.

Gần 5 năm trước, gạo ST24 của Việt Nam được vinh danh cùng với gạo Thái Lan và gạo Campuchia trong “Tốp 3 gạo ngon nhất thế giới”. Kỹ sư Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của dòng gạo thơm ST, đã thuyết minh: “ST24 là gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, cơm dẻo vừa và có hương thơm mùi lá dứa. Năm 2019, gạo ST24 và ST25 đều đạt chuẩn, chiếm ngôi vị gạo ngon nhất thế giới, nhưng Việt Nam chỉ được chọn 1, là ST25 đăng quang ngôi vương”. Đây là bước tiến không nhỏ của các loại gạo thơm ST do kỹ sư Hồ Quang Cua và ngành nông nghiệp Sóc Trăng dày công nghiên cứu trong 25 năm qua.

Trước khi dòng gạo thơm ST nổi lên, ở ĐBSCL cũng có giống lúa khá nổi tiếng là nàng thơm Chợ Đào. Thế nhưng, khi nhìn lại nhiều người không khỏi ái ngại. Tại sao gạo nàng thơm Chợ Đào không phát triển được? PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: “Gạo nàng thơm Chợ Đào có tiếng từ lâu, nhưng chỉ một vùng đất hẹp ở xã Mỹ Lệ (Long An) trồng mới có chất lượng ngon. Ở các cuộc đấu xảo gạo ngon trong nước và quốc tế, chưa có doanh nghiệp nào cũng như tỉnh Long An cũng không chuẩn bị mẫu để dự thi nên chưa biết độ thơm ngon của giống này thế nào, so với các loại gạo khác. Chưa có nhóm nhà khoa học của các viện, trường nào tìm ra vùng đất nước lợ ở ven biển Nam bộ có điều kiện đất và nước tương tự như ở xã Mỹ Lệ và du nhập giống nàng thơm Chợ Đào về trồng xem coi chất lượng còn ngon như xã Mỹ Lệ hay không”. 

Hiện nay chỉ cần gõ chữ “gạo nàng thơm Chợ Đào”, Google cho ra gần 200.000 kết quả với đủ hình ảnh bán buôn trên mạng. PGS-TS Dương Văn Chín cho biết thêm, có nhiều loại gạo dán nhãn là nàng thơm Chợ Đào nhưng thực chất là giả, dùng gạo của các giống lúa cao sản, đóng bao để lừa người tiêu dùng, do đó gạo nàng thơm Chợ Đào đang đứng trước nguy cơ ngày càng... mất uy tín.

Phát triển hợp lý các phân khúc xuất khẩu gạo

Gạo thơm ST24, ST25 hay nàng thơm Chợ Đào… đều ngon. Nhưng các nhà khoa học và doanh nghiệp thừa hiểu không thể chỉ chăm bẵm vào vài dòng gạo thơm này. Tại thị trường Việt Nam, người tiêu dùng cân nhắc túi tiền trước khi nghĩ đến mua gạo ST25 hay Chợ Đào. Bởi gạo Chợ Đào có giá bán khoảng 20.000 đồng/kg (1.000 USD/tấn), còn ST25 ở mức 35.000 đồng/kg (khoảng 1.500 USD/tấn). Đây là mức giá mà nhiều doanh nghiệp mơ ước khi cao gấp 2-3 lần so với mặt bằng giá xuất khẩu - khoảng 500 USD/tấn gạo của Việt Nam trong năm 2021.

Trong khi nhu cầu thị trường lúa gạo thế giới dao động ở ngưỡng 30 triệu tấn/năm thì lúa thơm chỉ chiếm dưới 10%, nghĩa là chỉ khoảng chừng 2-3 triệu tấn. Các chuyên gia lúa gạo nhận định: “Đây là một thị trường rất nhỏ, giống như mình đi buôn kim cương hay hàng cao cấp vậy. Thị trường này rất kén chọn, trong khi trước giờ chỉ Thái Lan đã chiếm khoảng 1,5-1,8 triệu tấn; Ấn Độ và Pakistan chiếm khoảng 300.000-400.000 tấn”.

Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang đi đúng hướng trong xác định các phân khúc xuất khẩu gạo. Cách đây gần 20 năm, các doanh nghiệp chỉ tập trung cho phân khúc gạo phẩm cấp thấp (gạo 25% tấm) với khoảng 80%, nay tỷ lệ này đã đảo chiều.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2021, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89% lượng xuất khẩu, đã góp phần nâng cao giá xuất khẩu từ 496 USD/tấn năm 2020 lên trên 503 USD/tấn. GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cho rằng: “Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam phải bắt đầu từ doanh nghiệp, sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn”. Hơn ai hết, doanh nghiệp “biết mình, biết ta” trong cuộc cạnh tranh trên thị trường, họ cũng biết các “đối thủ” của hạt gạo Việt đã có nhiều bước đi và thủ thuật marketing độc đáo trên thị trường thế giới. Những khuyến nghị này đã được tỉnh Sóc Trăng thực hiện khá bài bản để có kết quả như hôm nay.

Bàn về câu chuyện logo thương hiệu “Vietnam Rice”, nhiều người vẫn còn băn khoăn. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng: “Xây dựng được thương hiệu gạo Việt là mang đến lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp và cả quốc gia. Điều còn băn khoăn là chúng ta đã xây dựng thương hiệu gạo nhưng đã mang lại hiệu quả gì? Thực tế chưa có doanh nghiệp nào sử dụng, vì doanh nghiệp băn khoăn khâu giá trị gia tăng từ thương hiệu này chưa rõ ràng”.

Đồng quan điểm trên, PGS-TS Dương Văn Chín nói: “Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã công bố logo thương hiệu gạo Việt “Vietnam Rice”, nhưng có được bao nhiêu công ty nộp phí để được gắn logo này? Khi gắn logo này lên sản phẩm của họ thì có tăng được giá trị hạt gạo hay không; bán được giá cao hơn hay không? Đó là những lý do mà thương hiệu gạo của Việt Nam chưa đi vào cuộc sống thực tiễn”. Đây cũng là điều mà Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần nghiêm túc suy nghĩ.

“Vấn đề hiện nay là tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển hạt gạo ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Mỗi phân khúc gạo nên có chính sách khích lệ nhiều doanh nghiệp làm ra từng nhãn hiệu hàng hóa để kinh doanh, đảm bảo chất lượng, giữ uy tín lâu dài. Đối với phân khúc gạo thơm trắng cao cấp, nên sử dụng những giống lúa đoạt giải quốc tế như Lộc Trời 28, ST25. Phân khúc gạo thơm trung bình thì dùng các giống như Jasmine 85, OM 18, Đài thơm 8; gạo trắng hạt dài thì dùng giống OM 5451”...

PGS-TS Dương Văn Chín

Tin cùng chuyên mục