Gian nan làng rau hữu cơ An Mỹ

Phát triển vườn rau hữu cơ tại những vùng quê Hội An (Quảng Nam), nhằm cung cấp cho thị trường và phục vụ du lịch mặc dầu được kỳ vọng nhiều nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. 
Vợ chồng ông Dương Bá Hiền, hộ gia đình duy nhất quyết tâm trồng rau hữu cơ tại làng rau An Mỹ Ảnh: NGỌC PHÚC
Vợ chồng ông Dương Bá Hiền, hộ gia đình duy nhất quyết tâm trồng rau hữu cơ tại làng rau An Mỹ Ảnh: NGỌC PHÚC
Mô hình rau hữu cơ An Mỹ, phường Cẩm Châu đang gặp phải những vấn đề như vậy.

Mười hộ còn một 

Năm 2015, 10 hộ dân làng An Mỹ được TP Hội An chọn đi tập huấn về mô hình trồng rau hữu cơ, tuy vậy qua 2 năm triển khai, đến nay chỉ duy nhất 1 hộ còn duy trì, 9 hộ khác đã chuyển sang trồng rau thông thường. Nguyên nhân chính là do rau hữu cơ lên chậm hơn rau thường, dẫn đến thu nhập thấp. Đặc biệt, việc trồng rau hữu cơ luôn phải chịu sự giám sát chặt chẽ của cán bộ chuyên môn về kỹ thuật, quy trình trồng trọt, kể cả sổ sách theo dõi của phòng kinh tế, khiến các hộ dân chán nản. 

Là người duy nhất còn bám trụ với mô hình rau hữu cơ, ông Dương Bá Hiền, chủ vườn rau Hiền Đông (An Mỹ) cho biết, ông làm rau hữu cơ chủ yếu do đam mê. Rau hữu cơ nhà của ông chủ yếu bón phân chuồng và bánh dầu, nước tưới cũng bơm từ giếng đóng lên để đảm bảo rau thật sự sạch. Hiện tại, trong vườn nhà ông trồng hàng chục loại rau, quả các loại, mùa nào thức nấy và được theo dõi kỹ càng qua từng giai đoạn từ trồng tỉa, chăm sóc, thu hoạch và xuất ra thị trường… Rau hữu cơ sau thu hoạch sẽ được Trung tâm Rau hữu cơ Hội An (Hội An Organic) bao tiêu cung cấp ra thị trường, chủ yếu là các trường học và cá nhân đặt mua hàng trực tuyến. Bình quân mỗi tháng doanh thu từ vườn rau hữu cơ của vợ chồng ông Hiền đạt khoảng 3 triệu đồng. 

Cùng với việc phát triển mô hình rau hữu cơ, năm 2015 làng An Mỹ cũng được chọn xây dựng thành làng du lịch với sản phẩm trải nghiệm trồng rau hữu cơ cho khách. Vườn rau nhà ông Hiền trở thành một trong những nơi để khách đến tham quan trải nghiệm. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả du lịch vẫn chưa như mong muốn, khách ngày càng vắng. Nếu như năm 2016 có khoảng trên 20 đoàn khách du lịch ghé thăm thì từ đầu năm đến nay, chỉ có 2 đoàn với 19 khách đến vườn rau. “Ban đầu phòng kinh tế cũng phát cho mình tập vé để xé đưa khách, nhưng tôi nghĩ mình là hộ cá thể nên không cần”, ông Hiền kể. 

Thúc đẩy thương hiệu làng rau An Mỹ

Không phủ nhận việc phát triển rau hữu cơ An Mỹ là hướng đi đúng đắn và triển vọng. Tuy nhiên, việc 9/10 hộ dân bỏ cuộc ngay từ đầu là điều đáng suy nghĩ. Theo bà Phạm Thị Ngọc Dung, Phó trưởng phòng Thương mại Du lịch Hội An, việc quản lý theo dõi rau hữu cơ là do Phòng Kinh tế TP đảm nhận, Phòng Thương mại Du lịch Hội An chỉ thúc đẩy dự án du lịch cộng đồng nơi đây nên khó có thể làm gì hơn. “Rau hữu cơ chỉ là một điểm đến nhỏ trong nhiều sản phẩm của du lịch làng An Mỹ. Ngoài ra, nơi đây còn có đồng lúa, cảnh quan, vườn tược… nên việc 9 hộ dân bỏ trồng rau hữu cơ không ảnh hưởng nhiều. Do vậy, chúng tôi vẫn đang tiếp tục xúc tiến triển khai dự án du lịch nơi đây, dự định tháng 9-2017 sẽ khai trương”, bà Dung cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Kinh tế TP Hội An, mô hình làm rau hữu cơ An Mỹ vẫn rất thành công, mang lại thu nhập cao. Điển hình là một số hộ từng bỏ cuộc trước kia, nay thấy hiệu quả của trồng rau hữu cơ muốn quay trở lại xin làm, nhưng rất khó khăn vì phải học lại từ đầu. Yêu cầu sản xuất rau hữu cơ rất khắt khe, khi tham gia phải tập huấn hàng tháng trời. Chưa kể, 3 tháng đầu phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt nên nguồn thu nhập của bà con ít so với cách trồng rau thông thường có sử dụng phân, thuốc. “Để duy trì và phát triển mô hình rau hữu cơ An Mỹ, thời gian qua phòng kinh tế đã hỗ trợ tích cực hộ vườn rau nhà ông Dương Bá Hiền. Ngoài bao tiêu sản phẩm, còn cung cấp bao bì mẫu mã… để thúc đẩy mạnh mẽ hơn thương hiệu làng rau, đặc biệt tạo sự lan tỏa. Sắp tới, phòng sẽ hỗ trợ hộ ông Hiền bảo quản giống cho tốt và làm giống để cung cấp cho những hộ khác. Đồng thời, cũng sẽ hỗ trợ kết nối với các đơn vị du lịch về mặt tour tuyến tham quan”, bà Vân cho biết. 

Kế hoạch, định hướng có, nhưng khoảng cách giữa ý tưởng và việc triển khai thế nào vẫn là cả vấn đề. Thực tế, câu chuyện quản lý hậu dự án vẫn chưa bao giờ cũ. Nói như ông Dương Bá Hiền: “Hồi đầu mới vô làm, họ cũng nói tốt nhưng làm rồi chẳng thấy ai tới hỏi thăm hay động viên. Thấy cũng buồn lắm, nhưng nghĩ lại mình làm cho mình, lợi cho mình, nên buồn thì có buồn nhưng không nản”.

Tin cùng chuyên mục