Gian nan làm thủ tục thanh toán mai táng phí

Ông Lý Du Sô, Trưởng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tại TPHCM, cho biết: “Sau khi Báo SGGP khởi đăng bài viết “Khẩn trương xem xét hoàn phí mai táng” (số ra ngày 31-12-2021), chúng tôi đã có cuộc họp với Ban quản lý Nghĩa trang Đa Phước.

Qua đó, một số trường hợp đã được hoàn lại phí mai táng, trong đó có trường hợp Báo SGGP đã nêu trong bài viết. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp chưa được hoàn phí mai táng”. Cũng cần nhắc lại, trước đây, cộng đồng Hồi giáo có 3 nghĩa trang riêng biệt ở quận 3, 10 và Gò Vấp. Năm 1995, thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đô thị, các nghĩa trang trên được giải tỏa.

Theo giáo luật, tín đồ Hồi giáo khi qua đời phải được chôn cất trong ngày. Cộng đồng Hồi giáo đã đưa người mất về tỉnh An Giang, việc này gây khó khăn và tốn kém. Chính quyền TPHCM đã dành riêng khu đất C3 thuộc Nghĩa trang Đa Phước cho cộng đồng Hồi giáo. UBND TPHCM đã có công văn chỉ đạo không tính tiền chuyển nhượng đất mộ và thống nhất chủ trương chấp thuận chi phí mai táng 2 triệu đồng/phần mộ, tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh, thân nhân người chết thuộc cộng đồng Hồi giáo đã phải chi trả số tiền hơn 27 triệu đồng/phần mộ.

Đường dây nóng Báo SGGP tiếp tục nhận khá nhiều cuộc gọi về việc thanh toán chi phí mai táng người dương tính với Covid-19. Mức hỗ trợ trích từ ngân sách TPHCM với số tiền 17 triệu đồng cho mỗi ca tử vong để thực hiện toàn bộ chi phí hậu sự. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, ở phường 11 quận 5, cho biết: “Ngày 12-8-2021, người thân của tôi là Phạm Tuyết Lệ, 71 tuổi, tử vong tại khu cách ly tập trung F0 tại Trung tâm Y tế quận 5. Chúng tôi phải mượn tiền để làm thủ tục mai táng với chi phí khoảng 30 triệu đồng. Được tin Nhà nước hỗ trợ phí mai táng, gia đình rất phấn khởi. Tuy nhiên, làm thủ tục rất phức tạp. Tôi đã đi lại nhiều lần, nhưng vẫn chưa được hoàn phí mai táng”.

Đề nghị chính quyền địa phương xem xét và giải quyết cho các trường hợp nêu trên. 

Tin cùng chuyên mục