Gian nan chuyện an cư

Trả góp mua nhà vào thời điểm kinh tế ổn định đã khó, nhưng diễn ra trong thời điểm dịch bệnh hoành hành lại càng khó trăm bề. Xoay trở đủ cách, “thắt lưng buộc bụng”… đang là những giải pháp để thỏa giấc mộng an cư, có nhà ở TPHCM của không ít cặp vợ chồng hiện nay. 
Có được căn nhà ở TPHCM là mơ ước của nhiều gia đình. Ảnh: NGỌC ANH
Có được căn nhà ở TPHCM là mơ ước của nhiều gia đình. Ảnh: NGỌC ANH

Chắt chiu từng đồng…

Ba tháng trước, vợ chồng chị Cẩm Vinh quyết định dồn tiền, vay mượn người quen để mua một căn hộ chung cư tại quận 12, TPHCM. Căn hộ đã có sổ hồng, người chủ được vay ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng, lãi suất khoảng 5%/năm trong thời gian 15 năm, còn nợ ngân hàng khoảng 400 triệu đồng. Người chủ lách luật, bán căn hộ và sang nhượng lại gói vay, trên danh nghĩa người chủ vẫn nợ ngân hàng, chưa sang tên sổ hồng cho người mới, với giá gần 1,6 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ. “Biết rằng quyết định này rủi ro, nhưng gói vay khá ưu đãi, giá bán cũng ổn nên tôi liều mua. Mua rồi lại thấy run, vì hàng tháng phải vừa lo trả nợ ngân hàng, vừa trả nợ người thân, người quen với số tiền  gần 600 triệu đồng. Chẳng may người bán lật kèo thì tôi cũng mệt, vì chỉ có tờ giấy cam kết viết tay”, chị Cẩm Vinh tâm sự.  

Khác với chị Cẩm Vinh có ba mẹ, người quen hỗ trợ cho vay, anh Lê Văn Tú, ngụ đường Lê Văn Khương, phường Hiệp Thành (quận 12) chia sẻ, chẳng nhờ được người quen nào nên hai vợ chồng tự “cày”, vay ngân hàng. Anh Tú kể lại, giữa năm 2020, vợ chồng anh gom góp từ các khoản bán đất ở quê (mua từ năm 2010 lúc mới đi làm), tiền tiết kiệm ngân hàng, các khoản chơi họ với đồng nghiệp… được gần 1,2 tỷ đồng. Hai vợ chồng anh dự tính mua ngôi nhà nhỏ để cả gia đình 4 người có chỗ ra vào, thay vì đi ở trọ. Sau hơn 2 tháng khảo sát, tìm ngân hàng thẩm định giá, duyệt vay, vợ chồng anh Tú cũng lựa được căn nhà phù hợp túi tiền, có giá gần 2,9 tỷ đồng ở phường Hiệp Thành, quận 12. Số tiền vay lên tới hơn 1,7 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi cố định 3 năm, vay 25 năm, trung bình hàng tháng anh Tú phải trả góp khoảng 20 triệu đồng.

Tuy vậy, anh Tú đang rối bởi: “Từ đầu năm 2021 đến nay, vợ tôi thất nghiệp phải chuyển sang bán hàng online. Mọi chi phí, sinh hoạt cả gia đình đều dồn vào khoản thu nhập 26 triệu đồng/tháng của tôi nên vô cùng khó khăn. Liên hệ phía ngân hàng được biết, gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất cho người mua nhà do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã chấm dứt từ cuối năm 2020”. Tính đến thời điểm này, cả gia đình chị Cẩm Vinh, anh Tú đều phải chắt chiu từng đồng, thậm chí “nhịn ăn, nhịn mặc” để mong sớm trả dứt nợ; đồng thời hy vọng dịch Covid-19 sớm được khống chế để cải thiện thu nhập, trút được gánh nặng đường dài nợ nần.

Phải lên kế hoạch trước khi mua

Tâm lý mua đất, mua nhà làm của để dành cho tương lai đang khiến nhiều gia đình trẻ sinh sống tại những thành phố lớn chịu muôn vàn áp lực. Chưa kể, các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp rất khan hiếm, cùng nhiều điều kiện khắt khe, khiến người mua thực để ở khó có thể tiếp cận. Thêm nữa, những năm gần đây giá nhà đất liên tục leo thang, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh, khiến cho giấc mộng an cư của không ít người, nhất là người trẻ càng trở nên xa xỉ. Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, giá bất động sản cao gấp vài chục lần thu nhập trung bình hàng năm của người dân khiến cho người lao động ở các thành phố lớn khó với tới giấc mộng an cư. Ông Nguyễn Văn Toan, một môi giới bất động sản (khu vực quận Gò Vấp, quận 12), phân tích, cùng vị trí, con hẻm mà giá nhà đất tại các quận này đã nhích lên đáng kể so với giữa tháng 6-2020. “Chỉ gần 8 tháng qua, một căn nhà khoảng 50m2 trong hẻm rộng 3-4m trên đường Nguyễn Thị Căn (quận 12) đã tăng từ 200-500 triệu đồng. Trong số này, nhiều giao dịch thành công”, ông Nguyễn Văn Toan cho biết. 

Chị Thái Ngọc Linh (quận 3) chia sẻ về câu chuyện của mình. Cụ thể, do hạn hẹp tài chính nên chị Linh chọn phương án mua nhà ở xa, sau đó có cơ hội dọn về gần thành phố. Trước đó, năm 2007, chị mua một mảnh đất nhỏ ở quê có giá khoảng 150 triệu đồng, với vị trí tốt, gần chợ, trường học, sau đó, 5 năm bán đi với giá khoảng 250 triệu đồng. Số tiền này vẫn khá ít ỏi, nên chị Linh hùn hạp, mua mảnh đất lớn với bạn thân, đợi vài năm gom bán kiếm lời. Qua nhiều lần mua đi bán lại, chị Linh cũng tích lũy được khoảng 1,3 tỷ đồng vào năm 2018 và quyết định mua một căn chung cư 2 phòng ngủ, chỉ vay nợ ngân hàng khoảng 300 triệu đồng. “Khoảng tháng 4-2021 này mình trả dứt nợ. Mình dự tính tích lũy thêm để dưỡng già, nên không quá vội vàng mua nhà bằng mọi giá. Căn hộ mình mua ở Thủ Đức nay có người trả giá gần 2 tỷ đồng. Chưa kể mình cũng tích lũy được vài trăm triệu đồng để phòng ngừa ốm đau, bệnh tật, dù rằng đã mua bảo hiểm y tế, nhân thọ”, chị Thái Ngọc Linh cho hay. 

Không ít những gia đình xích mích, thậm chí đưa nhau ra tòa ly dị chỉ vì chuyện an cư không như ý. Do vậy, các cặp vợ chồng cần chủ động lên kế hoạch từ sớm cho các khoản phát sinh (hiếu hỉ, bệnh tật...), tránh tình trạng phải bán nhà trả nợ khi gặp tình huống nguy cấp. Mua nhà là quá trình tích lũy lâu dài, có tính toán, nên người mua cần cân nhắc kỹ lưỡng và phải giữ được hòa khí, đồng lòng trong gia đình để có những quyết định đúng đắn.

Tin cùng chuyên mục