Giãn cách nhưng không giãn lòng

Những ngày qua, TPHCM đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Điều ấn tượng nhất mà chúng tôi cảm nhận được là việc giãn cách ấy gần như chỉ là về mặt địa lý, còn tinh thần, tấm lòng của người dân TPHCM lại gần nhau hơn bao giờ hết.

Nhờ sự kết nối của mạng xã hội (MXH), nhiều nơi đã lập các nhóm để chia sẻ với nhau. Ở chung cư thì có group từng tầng, ở khu dân cư thì có group xóm. Ngày thường chỉ vài ba nhà sát vách chơi với nhau, cách chừng 2 - 3 căn là hầu như tên không biết, nhìn mặt cũng chỉ dừng lại ở chỗ ngờ ngợ, quen quen. 

Ấy thế mà dịch ập đến, mọi người được yêu cầu ở yên trong nhà, chiếc điện thoại trở thành sợi dây gắn kết tình làng, nghĩa xóm. “Tôi có số điện thoại của 2 gia đình bên cạnh, nghĩ bụng sao không lập cái group, có gì còn san sẻ với nhau, ít nhất biết ai đang cần để mà giúp nhau cọng rau, con cá khi nhỡ nhàng trong mùa dịch. Group lập ra chỉ với 3 thành viên ban đầu, rồi chị hàng xóm mời thêm gia đình bên cạnh, cứ thế, chỉ trong một ngày đã tập hợp được gần 100 gia đình trong xóm vào group”, chị Vũ Cẩm Tú (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ.

Chung cư Sky 9 (TP Thủ Đức) bị phong tỏa. Ngoài group do ban quản trị lập ra để thông tin về tình hình dịch bệnh và triển khai các hoạt động chung thì mỗi tầng đều có group riêng để thuận tiện chia sẻ. Đặc thù của khu phong tỏa là có hàng cứu trợ của địa phương hỗ trợ người dân. Mà hàng hóa cứu trợ thì không thể “kén cá chọn canh” nên có nhiều món bị trùng lặp. Để ngày phong tỏa ngắn lại và sử dụng thực phẩm được cứu trợ một cách hiệu quả nhất, một vài chị cùng tầng tổ chức mini game (trò chơi nhỏ), có thưởng đàng hoàng. Những mini game như “Trổ tài với chuối xanh”, “Biến tấu trứng bảy món”… được khởi động, không chỉ có chị em hưởng ứng, mà các anh và đám nhỏ cũng hào hứng tham gia. Cuối ngày, mọi người lại hào hứng chấm điểm để chọn ra gia đình xứng đáng nhận phần thưởng, có khi là một bữa ốc khi hết dịch. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ khép lại một ngày bớt lo âu.  

Dịch Covid-19 đợt này khiến nhiều người dân TPHCM bị ảnh hưởng. Để chung tay cùng Chính phủ, cùng TPHCM chăm lo người dân, nhiều người đã tận dụng MXH để kết nối những hoàn cảnh khó. Dễ dàng thấy những dòng trạng thái đậm nghĩa tình, như: “Ai biết gia đình nào có con nhỏ mà khó khăn quá, nhắn địa chỉ, em gửi tặng họ thùng mì cho người lớn, thùng sữa và bịch tã cho bé”; hay “Mai mình tổ chức gửi tặng bà con khó khăn ít quà, ai có nhu cầu nhắn địa chỉ, mình gửi tận nhà”… 

Người TPHCM là vậy, luôn lạc quan, hào hiệp và nghĩa tình. Trong lúc không thể và không nên thăm hỏi, chia sẻ và động viên nhau trực tiếp thì sự lạc quan, hào hiệp, nghĩa tình ấy vẫn không suy giảm, thậm chí còn mạnh hơn, lan tỏa hơn qua MXH.

Tin cùng chuyên mục