“Giảm xe máy, người dân chuyển sang ô tô thì tắc nghẽn càng nghiêm trọng hơn“

Báo cáo đề dẫn hội nghị được Sở Giao thông - Vận tải TPHCM và Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải đưa ra từ kết quả khảo sát tại các địa bàn dân cư cho thấy, có 62,56% ý kiến cho rằng cần phải hạn chế lưu thông ôtô con, xe máy.
TS Nguyễn Minh Hòa phát biểu tại hội nghị

Sáng 1-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội về Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM (đề án). Tham dự hội nghị có các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, quản lý giao thông đô thị thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước.

Báo cáo đề dẫn hội nghị được Sở Giao thông - Vận tải TPHCM và Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (TDSI) đưa ra từ kết quả khảo sát tại các địa bàn dân cư cho thấy, có 62,56% ý kiến cho rằng cần phải hạn chế lưu thông ôtô con, xe máy (trong đó 40,77% đồng ý hoàn toàn và 21,79% đồng ý khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại).

Ngoài ra, ý kiến người được phỏng vấn đồng tình một số giải pháp giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường như: điều chỉnh sắp xếp giờ học, giờ làm lệch ca (80,25% ý kiến đồng tình); thu phí ôtô vào khu vực trung tâm (69,69%); ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông (thu phí tự động, xử phạt… tỷ lệ đồng thuận 85,53%).

Cũng theo TDSI, hiện nay số liệu phương tiện tiếp tục phát triển quá sức chịu đựng của hạ tầng, với khoảng 8-8,5 triệu xe máy, ôtô từ 300.000 - 350.000 chiếc. Trong bối cảnh đó, vận tải hành khách công cộng được xem là một trong các yếu tố quyết định hạn chế lưu thông xe cá nhân lại có chiều hướng thụt lùi; mạng lưới xe buýt hiện nay chưa hợp lý, phương tiện không đa dạng, sản lượng vận chuyển liên tục suy giảm, hiện chỉ đáp ứng được khoảng 4,3% nhu cầu giao thông đô thị. Giải pháp để hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, được TDSI đưa ra là trước mắt tại khu vực trung tâm thành phố đến năm 2030 mở rộng ra các khu vực quận 1, 3, 5, 10, khu đô thị Thủ Thiêm và Phú Mỹ Hưng. Sau đó phát triển mở rộng, lan tỏa sang các khu vực lân cận.

Phát biểu tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp trên còn mang tính tình thế trước mắt, chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ của tình trạng quá tải giao thông tại TPHCM nhiều năm qua.

Theo PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TPHCM, kết quả khảo sát mà TDSI đưa ra có một số số liệu đánh giá chưa toàn diện, chưa nói đến năng lực vận tải đáp ứng với nhu cầu đi lại của người dân trong những năm tới. Trong các giải pháp được đề cập đến chưa tính đến yếu tố về độ tuổi, giới tính, tâm lý cư dân…

Còn Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, băn khoăn về giải pháp từ năm 2025 đến 2030 sẽ cấm xe gắn máy lưu thông trong các khu vực trung tâm. Với thời gian ngắn như vậy, và với hạ tầng giao thông, khả năng thay thế của các phương tiện giao thông công cộng như hiện nay và những năm tới thì khó thực hiện được.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, việc hạn chế xe gắn máy áp dụng chung cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người sinh sống, cư trú tại những khu vực bị hạn chế là đầy khó khăn về phía người dân; chưa kể sẽ phát sinh thêm nhiều khu vực ùn ứ giao thông do hình thành các bãi giữ xe với lượng xe khổng lồ tại các khu vực tiếp giáp trung tâm thành phố. Mặt khác, việc hạn chế, tiến tới cấm các loại tiện cá nhân ở góc độ nào đó ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, vì Hiến pháp hiện hành chỉ quy định quyền công dân chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp liên quan đến trật tự công cộng.

Theo TS Nguyễn Minh Hòa, giải pháp thay thế các phương tiện cá nhân chưa sát thực, trong khi hiện nay nhiều hãng sản xuất xe gắn máy và xe ô tô đang ồ ạt đưa ra thị trường.

“Bây giờ là hơn 8 triệu xe gắn máy và gần 400.000 xe ô tô, chứ vài năm nữa các loại phương tiện này sẽ tăng rất nhanh, lúc đó chúng ta có hạn chế, hay cấm hẳn cũng không làm sao giải quyết được bài toán giao thông”, TS Nguyễn Minh Hòa nói.

Cũng quan điểm này, TS Huỳnh Thế Du, Trường Đại học  Fullbright Việt Nam cho rằng, giảm xe gắn máy thì người dân sẽ chuyển sang phương tiện xe ô tô cá nhân, lúc đó tình trạng tắc nghẽn giao thông sẽ nghiêm trọng hơn, vì 1 chiếc ô tô con chiếm diện tích mặt đường của 4 xe gắn máy.

“Nếu hạn chế, tiến tới cấm xe gắn máy vào năm 2025 mà chúng ta chưa có loại phương tiện công cộng nào thay thế để vận chuyển lượng người khổng lồ này ở các khu vực trung tâm thành phố, thì sẽ tạo ra những khu vực tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng khác. Do vậy, giải pháp cấp bách cho tương lai là phải xây dựng cho được hệ thống giao thông công cộng công suất lớn”, TS Du kiến nghị.

Hiện trạng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM

- Chiều dài đường bộ: 4.202,65 km, trong đó có 1.827 km đường có bề rộng lòng đường trên 7 m. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2017 chỉ đạt 1,47%.

- Mật độ giao thông đạt 2,03 km/ km², đạt 91% chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020.

- Diện tích đất dành cho giao thông đạt 80,41 ha. Giai đoạn 2011-2018 tăng 6%/ năm. Tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất đô thị chỉ đạt 8,8%.

KTS Khương Văn Mười thì cho rằng, quy hoạch giao thông được thành phố đưa ra nhiều năm nay nhưng giải pháp thực hiện thì chưa đồng bộ. Quy hoạch giao thông đề cập đến tính phù hợp của phát triển các khu đô thị, gắn với phát triển giao thông, trong đó có tính đến loại xe buýt nhỏ vận chuyển ở các khu vực kết nối với trung tâm, nhưng tới nay chưa được triển khai thực hiện.

Cũng quan điểm này, TS nguyễn Cao Trí, Đại học Văn Lang đề nghị cần xem lại chính sách trợ giá xe buýt thực hiện nhiều năm nay là chưa hiệu quả. Mỗi năm thành phố bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng trợ giá cho vài trăm ngàn lượt người đi xe buýt là quá lãng phí. “Số tiền rất lớn trên nên đầu tư cho phát triển các loại phương tiện giao thông công cộng”, TS Trí kiến nghị.

Kỹ sư Trần Đình Tứ đề nghị cần xem lại công tác quy hoạch xem đã phù hợp chưa, khi mà thành phố hơn 10 triệu dân mà thiếu những đô thị vệ tinh và quy hoạch tập trung quá nhiều các trung tâm từ tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, giao thông, đô thị… tại các khu vực trung tâm.

“Quy hoạch lệch lạc này là nguyên nhân làm cho giao thông đô thị ngày càng hỗn loạn và khó kiểm soát. Hậu quả là chúng ta cứ loay hoay hết giải pháp này đến giải pháp khác mà vẫn không giải quyết được”, KS Tứ nêu vấn đề.   

Tin cùng chuyên mục