Giảm thiểu rác thải nhựa phải đi từ gốc

Phong trào giảm thiểu rác thải nhựa diễn ra khá sôi động trong thời gian gần đây. Trên mạng xã hội, dự án giảm thiểu rác thải nhựa của các nhóm cộng đồng, tổ chức xã hội, cá nhân, doanh nghiệp… đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía cộng đồng bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Nhiều hành động, dự án nhằm gia tăng nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa; sáng kiến, giải pháp giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần đã được đưa ra và ứng dụng vào thực tế.

Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia môi trường và kinh tế, những phong trào trên chỉ mới giải quyết một phần vấn đề. Giải pháp gốc cần có để giảm thiểu rác thải nhựa phát tán ra môi trường hiện nay là tái chế rác thải nhựa vẫn chưa phát triển mạnh mẽ, nhất là tại nước ta.

Lý giải vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, việc phân loại rác thải tại nguồn chưa hiệu quả đã ảnh hưởng đến hiệu quả việc tái chế rác thải nhựa. Phần lớn rác thải nhựa đều được cộng đồng trộn lẫn rác thải sinh hoạt khác trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom nên không thể tách lọc rác thải nhựa riêng để xử lý.

Mặt khác, biện pháp xử lý rác thải tại phần lớn các tỉnh, thành phố ở Việt Nam vẫn là chôn lấp nên không đủ tạo ra động lực cần thiết để thúc đẩy hình thành ngành tái chế chất thải.

Ở góc độ khác, các doanh nghiệp có khả năng tái chế chất thải nhựa hoặc phải sử dụng một phần nhựa tái chế trong hoạt động sản xuất của mình thì lại ưa chuộng nhựa phế liệu nhập khẩu. Ưu điểm của loại rác thải này là sạch, được phân loại cụ thể, có thể nhập khẩu số lượng lớn. Điều này cũng khiến cho thị trường tái chế rác thải nhựa khó phát triển.

Trên thực tế, Bộ TN-MT đã sử dụng công cụ kinh tế nhằm giảm thói quen sử dụng sản phẩm nhựa. Cụ thể, Bộ TN-MT đã thực hiện áp mức thuế từ 100%-250% lên giá sản phẩm bao bì nhựa tùy loại. Thế nhưng, cho đến nay, việc đánh thuế trên vẫn chưa giúp giảm sản phẩm nhựa đang sử dụng trong đời sống người dân. Đặc biệt, tại các khu vực chợ truyền thống vẫn còn thói quen sử dụng bịch ni lông khó phân hủy. Loại bao bì này thường do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sản xuất nên không bị đánh thuế và có giá thành rất rẻ.

Trước thực tế đó, các chuyên gia môi trường cho rằng, để có thể giải quyết triệt để vấn đề rác thải nhựa, ngoài giải pháp vận động người dân thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, cần thiết phải hình thành và phát triển mạnh ngành tái chế rác thải nhựa. Song song đó, hướng dẫn người dân thực hiện hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn, làm cơ sở để duy trì ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp tái chế.

Hiện Việt Nam được xếp vào tốp đầu các nước có lượng rác thải nhựa lớn phát thải vào môi trường. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng rác thải nhựa còn tăng nhiều do người dân tăng cường sử dụng hệ thống giao hàng online. Và nếu lượng rác thải nhựa này không được thu gom, xử lý đúng cách sẽ rất nguy hại cho môi trường.

Do đó, cùng với việc phân loại rác thải nói chung, cần có những chính sách khuyến khích như hỗ trợ thuế, giá thuê đất, vốn vay đầu tư trang thiết bị công nghệ… để hình thành và phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế chất thải, giải pháp bảo vệ môi trường được hiệu quả và bền vững hơn.

Tin cùng chuyên mục