Giảm thiệt hại do thiên tai

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mức thiệt hại kinh tế trung bình do thiên tai của Việt Nam trong 2 thập niên qua là 1,5%/năm và được dự đoán sẽ đạt mức 3% vào năm 2050. Biến đổi khí hậu (BĐKH) được dự báo sẽ làm tăng tác động của thiên tai, nhất là về thời gian, tần suất, độ nghiêm trọng và cường độ của các hiện tượng khí tượng - thủy văn.

Do tác động của BĐKH nên cường độ, lượng mưa và các cơn bão ngày càng diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Từ đầu năm đến nay, dông lốc, sét, mưa đá, mưa lớn xảy ra nhiều đợt, trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, làm thiệt hại trên 40.000 nhà và 30.000ha lúa, hoa màu. Thiên tai ảnh hưởng đến nguồn sinh kế và tài sản của người dân, khiến cho các hộ dân bị ảnh hưởng khó phục hồi.

Để khắc phục những sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Công điện 481/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá... Huy động lực lượng tại chỗ giúp người dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng; sửa chữa nhà cửa; cấp phát lương thực, nhu yếu phẩm; đảm bảo chỗ ở cho các hộ dân bị thiệt hại.

Những thách thức đặt ra đối với công tác phòng chống thiên tai rất lớn, nhất là khi tác động của BĐKH, nước biển dâng, làm cường độ thiên tai trung bình có xu thế gia tăng; tần suất thiên tai lớn xuất hiện dày hơn, xuất hiện nhiều đợt thiên tai cực đoan hơn, trái với quy luật trước đây.

Ngoài ra, kịch bản nước biển dâng lên 1m, chưa kể lún sụt đất, có thể khiến 39% diện tích ĐBSCL, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng, 2,5% diện tích thuộc các tỉnh miền Trung và 20% diện tích TPHCM ngập.

Để giảm những thiệt hại do thiên tai gây ra, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp căn bản như xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai tổng thể trên cơ sở hệ thống thông tin đa chiều.

Mọi hoạt động kinh tế - xã hội phải đảm bảo giảm nhẹ rủi ro thiên tai; phải hiểu rõ cơ chế hình thành, xu thế, xây dựng kịch bản với rủi ro thiên tai. Cần có chương trình kiểm soát an toàn thiên tai đối với các hoạt động phát triển, đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng hoặc hoạt động có nguy cơ phát sinh rủi ro.

Đồng thời, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại do thiên tai gây ra. Song song đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ cần phải thực tế hơn... 

Tin cùng chuyên mục