Giám sát trách nhiệm người đứng đầu

Nhận diện được những điểm nóng trong lĩnh vực đất đai, xây dựng ở địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Bình Chánh (TPHCM) đã tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này. 
Tập trung vào vấn đề dư luận quan tâm
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phụng, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong toàn Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng là vấn đề bức xúc, có nhiều sai phạm và dư luận xã hội quan tâm. Số đơn thư gửi đến Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy để phản ánh, tố cáo đối với lĩnh vực này luôn chiếm tỷ lệ cao; số đảng viên vi phạm kỷ luật đảng liên quan đến quản lý đất đai, trật tự xây dựng được ghi nhận trước đó chiếm gần 72%.
“Những dữ liệu trên càng khẳng định công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng ở huyện là một trong những lĩnh vực nóng, là vấn đề nhạy cảm”, đồng chí Nguyễn Văn Phụng nhận xét.
Chính vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành nghị quyết về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng và chỉnh trang đô thị đối với 16 xã - thị trấn, xác định cụ thể vai trò, trách nhiệm của đảng ủy các xã - thị trấn và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các chi bộ, đảng bộ cơ sở phụ trách.
Hàng tuần, Thường trực Huyện ủy bố trí lịch đi cơ sở kiểm tra, giám sát trực tiếp các chi bộ, đảng bộ cơ sở tại nơi có các vấn đề nổi cộm, bức xúc, hay có nhiều thông tin phản ánh của người dân, trong đó tập trung vào lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Giám sát trách nhiệm người đứng đầu ảnh 1 Tình trạng xây dựng nhà tôn, vách ghép như thế này ở huyện Bình Chánh đã giảm đáng kể. Ảnh: TUẤN VŨ
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy cũng đi cơ sở nắm bắt thực tế, phát hiện những thiếu sót, biểu hiện vi phạm. Qua đó phát hiện và xử lý kỷ luật nhiều đảng viên, tổ chức đảng có khuyết điểm, vi phạm.
Đồng chí Nguyễn Văn Phụng dẫn chứng về vụ vi phạm xảy ra ở một xã giáp ranh huyện Hóc Môn. Tại đây, lợi dụng chủ trương thực hiện phương án sản xuất nông nghiệp, người dân xây nhà xưởng, nhà ở không phép trên đất nông nghiệp. Thường trực Huyện ủy giao Ủy ban Kiểm tra xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy xã.
“Kết quả cho thấy, từ năm 2013 đến thời điểm kiểm tra đã có 13 cá nhân mua đất nông nghiệp rồi tự làm đường để phân lô, xây dựng đến 75 công trình không phép”, đồng chí Nguyễn Văn Phụng thông tin.
Nghiêm khắc xử lý vi phạm
Đồng chí Nguyễn Văn Phụng cho biết, trong vụ việc trên, Ủy ban Kiểm tra còn phát hiện dấu hiệu vi phạm của các phòng, ban chuyên môn trong công tác tham mưu cho UBND huyện. Kiểm tra tiếp đối với 2 chi bộ và 2 bí thư chi bộ phòng chuyên môn, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng xác định những sai phạm cụ thể và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên quan. Cụ thể, 6 tổ chức đảng và gần 40 đảng viên bị xử lý kỷ luật (với nhiều hình thức như cảnh cáo, khiển trách và phê bình rút kinh nghiệm).
Ban Thường vụ Huyện ủy cũng kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn tình trạng phân lô, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp. Những hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng, cũng như việc cập nhật biến động, tách thửa hay cấp giấy chứng nhận không đúng quy định từ đó được khắc phục.
“Đối với những cá nhân có hành vi lợi dụng chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp để chuyển nhượng, tách thửa đất, tự phân lô và xây không phép công trình quy mô lớn trên đất nông nghiệp, chúng tôi đã chuyển Công an huyện để điều tra xử lý”, đồng chí Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh.
Kết quả, trong năm 2017, vi phạm xây dựng ở huyện giảm gần 61% so với năm trước; 3 tháng đầu năm 2018, con số này giảm 42% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, chính quyền địa phương đã tập trung triển khai nghị quyết của Huyện ủy, như thực hiện cải cách hành chính trong cấp phép xây dựng (đến nay không còn hồ sơ trễ hẹn); miễn phí cung cấp thông tin quy hoạch cho người dân; kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng không phép trên đất không phù hợp quy hoạch, cố tình xây dựng sai phép, sai quy hoạch... 
Đúc kết kinh nghiệm chung, đồng chí Nguyễn Văn Phụng cho rằng, trước hết phải cập nhật, nắm bắt thông tin dư luận, đơn thư phản ánh của người dân. Trên cơ sở đó sẽ giúp lựa chọn được địa bàn trọng điểm có nhiều dư luận bức xúc, xảy ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý, rồi kiểm tra, giám sát thường xuyên. Kết quả kiểm tra phải nêu cụ thể những hạn chế, khuyết điểm hoặc sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa sai phạm.

Giảm thiệt hại cho dân, bớt cán bộ vi phạm

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài, trong thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy, vai trò của hệ thống chính trị, đoàn thể ở địa phương được phát huy, cùng tham gia công tác giám sát, kịp thời phát hiện vi phạm. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm có sự phối hợp chặt chẽ giữa các xã - thị trấn với cơ quan chuyên môn của UBND huyện và lực lượng Thanh tra Xây dựng. Nhờ vậy, có khoảng 70% (trong tổng số 400 vụ vi phạm ở năm 2017) được phát hiện, ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu. Hầu hết, người dân sau khi được vận động, giải thích đã tự khắc phục và chính quyền không phải tổ chức cưỡng chế. “Việc sớm phát hiện, yêu cầu chấm dứt vi phạm ngay khi mới đổ vật tư, đào móng sẽ giúp người dân giảm thiểu thiệt hại”, đồng chí Nguyễn Văn Tài nhận xét. Mặt khác, từ sự vào cuộc quyết liệt như đã nêu, dù trường hợp cán bộ vi phạm vẫn còn, nhưng số lượng và mức độ vi phạm đã giảm nhiều.

Tin cùng chuyên mục