Giám sát, phản biện xã hội thì phải dám nói

Sau 8 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI (về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội), công tác này đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. 

Tuy nhiên, theo đánh giá tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội còn chưa đều, với nhiều hạn chế, tồn tại, chưa đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của nhân dân.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có bộ máy cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác này. Đây là vấn đề cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc nhất.

Tại hội thảo chuyên đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 25-5 ở Hà Nội, nhiều ý kiến cũng đã xoáy sâu vào vấn đề này.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), cho rằng, việc bộ máy làm công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn khiến công tác phản biện xã hội của MTTQ hiện nay thực chất chỉ là góp ý.

Ông Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cũng cho rằng, cần đánh giá lại lực lượng của Ủy ban MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên các cấp để từ đó xây dựng các chương trình giám sát, phản biện xã hội một cách thực chất, không hình thức.

Song song với đó, cần phải huy động được đội ngũ cán bộ và chuyên gia có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, văn hóa, giáo dục, kinh tế, tài chính..., để tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của mặt trận. 

Được sự đồng ý của Ban Bí thư, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đang xây dựng chỉ thị của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong quá trình lấy ý kiến xây dựng dự thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần thiết ban hành luật về hoạt động giám sát của nhân dân; có cơ chế để huy động trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn tham gia vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Cùng với đó là ban hành quy chế về tiếp thu, phản hồi, giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể… Nhiều chuyên gia kỳ vọng, sau khi có chỉ thị của Ban Bí thư, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam sẽ đi vào thực chất hơn.

Tin cùng chuyên mục