Giám sát phải tránh “bơi” trong số liệu

Ngày 17-3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” và nghe báo cáo kết quả bước đầu triển khai thực hiện kế hoạch giám sát.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: QUOCHOI.VN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: QUOCHOI.VN

Tại cuộc làm việc, đoàn giám sát cho biết, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, về cơ bản nội dung, thông tin, số liệu không đầy đủ theo yêu cầu. Do đó, đoàn giám sát đã tiếp tục có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu khẩn trương gửi báo cáo và bổ sung nội dung, thông tin, số liệu; công văn gửi đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố Trung ương yêu cầu tập trung giám sát các nội dung theo đề cương và gửi báo cáo đúng thời gian quy định.

Dự kiến, đoàn giám sát sẽ tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với các bộ: KH-ĐT, TN-MT, Tài chính, GTVT, Y tế, NN-PTNT; Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và 6 địa phương, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Bắc Giang, Lâm Đồng, Long An (trong tháng 4, cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2022).

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là lĩnh vực rất rộng, cần có cách tiếp cận tổng thể để không rơi vào tình trạng “bơi trong số liệu”. Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội cần phải nêu được những vấn đề lớn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ rõ được những hạn chế, tồn tại, bất cập trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời đánh giá được tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát, đề nghị Thường trực đoàn giám sát và Tổ giúp việc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu trong cuộc làm việc; hoàn chỉnh báo cáo bước đầu để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9; chuẩn bị các yêu cầu về tiêu chí, kế hoạch làm việc, nội dung giám sát cụ thể để từng bộ, ngành, địa phương báo cáo chi tiết.

Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Tổ giúp việc sẽ phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội chuẩn bị nội dung cho phiên họp tiếp theo của đoàn giám sát, nhằm triển khai các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xác định nội dung trọng tâm và phương hướng giám sát cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương; xác định lĩnh vực có dấu hiệu lãng phí, tham vấn, nhận diện các dấu hiệu này và chuẩn bị nội dung để làm việc cụ thể với từng bộ, ngành, địa phương.

Tin cùng chuyên mục