Giám sát chất lượng công trình bằng công nghệ

Vừa qua, một sai sót nghiêm trọng trong quá trình thi công gói thầu 1-XL thuộc tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được phát hiện. Trong gói thầu này có nhiều khu vực đổ “đất lẫn đá” trên phạm vi rộng, trong khi theo hồ sơ thiết kế được Bộ GTVT phê duyệt, thì “đất lẫn đá” không được phép sử dụng làm nền đường cao tốc (vì không đảm bảo chất lượng nền đường).

Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ GTVT) đã yêu cầu đào bỏ hết phần “đất lẫn đá” ra khỏi công trường; cảnh cáo chỉ huy trưởng công trường, đồng thời đề nghị nhà thầu xử lý những người có trách nhiệm.

Trong một vụ việc tương tự xảy ra, 36 người liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi” đã bị cơ quan chức năng đề nghị truy tố. 65km đầu tiên của đường cao tốc này vừa đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều “ổ voi, ổ gà”. Rõ ràng, bài học này vẫn chưa làm những người liên quan đến sai sót ở dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây phải kiêng dè. Rất may là sai sót nói trên đã được phát hiện sớm. Thật khó hình dung hết mức độ nguy hiểm có thể xảy ra khi các phương tiện lưu thông với tốc độ cao trên nền đường không đảm bảo chất lượng. Rồi chi phí khắc phục chắc chắn sẽ không chỉ là công đào bỏ “đất lẫn đá”…

Theo các quy định hiện hành, việc giám sát thi công các công trình có vốn đầu tư từ ngân sách ngoài được giao cho cơ quan chức năng, tư vấn giám sát của chủ đầu tư, còn mở rộng cho đông đảo người dân tham gia. “Trăm mắt nhìn vào” chắc chắn sẽ giảm thiểu được các tiêu cực. Thế nhưng, không phải người dân nào cũng am hiểu kỹ thuật xây dựng để tham gia giám sát. Chưa kể, công trường thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật luôn thường trực các nguy cơ gạch đá rơi vãi, sắt thép vướng vào người… Do đó, để đảm bảo an toàn nhiều công trình thi công đã không cho người lạ vào. Dù hết sức khách quan, nhưng thực tế này làm hạn chế sự tham gia giám sát của người dân ở các công trình thi công.

Cách nay 5 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Áp dụng mô hình thông tin công trình BIM (Building Information Modeling) vào hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. BIM là hệ thống được thiết lập với quy trình chặt chẽ, từ việc xây dựng mô hình với nhiều chiều thông tin (3D, 4D, 5D…) thông qua các phần mềm chuyên dụng (Civil, Revit…), đến việc sử dụng các mô hình này từ giai đoạn thiết kế, thi công (quản lý khối lượng), quản lý công trình (bảo trì, bảo dưỡng kết cấu bê tông cốt thép, các thiết bị cơ, điện nước…), giúp quản lý xuyên suốt dòng đời của công trình. Nếu kết hợp BIM với việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), chủ đầu tư, kỹ sư và người dân còn có thể tiếp cận, tương tác với công trình một cách trực quan, sinh động, qua đó giám sát chất lượng thi công công trình tốt hơn. Một hướng giải quyết vấn đề cực kỳ hiệu quả và rất phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Trong đề án nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong giai đoạn 2017-2019 phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đào tạo kỹ năng cho việc áp dụng BIM. Từ năm 2018-2020 triển khai áp dụng thí điểm tối thiểu 20 công trình xây dựng mới sử dụng vốn Nhà nước. Từ năm 2021, trên cơ sở tổng kết, đánh giá áp dụng BIM, Bộ Xây dựng ban hành thông tư, hướng dẫn cụ thể để áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

Thực tế đang yêu cầu, hành lang pháp lý cũng đã có… không có lý do gì mà chậm trễ đưa khoa học công nghệ vào quản lý chất lượng công trình để có được công trình xây dựng chất lượng tốt.

Tin cùng chuyên mục