Giảm quy định kinh doanh, tiết kiệm trên 131,6 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ TN-MT gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để phục vụ phiên thẩm tra ngày 30-9, nhờ cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ, chi phí tuân thủ tiết kiệm được là hơn 131,6 tỷ đồng; bằng 21,9% trên tổng chi phí tuân thủ quy định thủ tục hành chính (TTHC).

Giai đoạn 2021-2025, Bộ TN-MT sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 21 TTHC trong lĩnh vực tài nguyên nước (Ảnh minh họa)
Giai đoạn 2021-2025, Bộ TN-MT sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 21 TTHC trong lĩnh vực tài nguyên nước (Ảnh minh họa)

Theo phương án đã được phê duyệt tại Quyết định số 721/QĐ-TTg ngày 16-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT sẽ thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 153/178 TTHC được rà soát (đạt 85%). Các quy định trên liên quan đến hoạt động kinh doanh trong 6 lĩnh vực: đất đai, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo, đa dạng sinh học. Giai đoạn 2021-2025, Bộ TN-MT sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 82 TTHC, trong đó: lĩnh vực đất đai là 13 TTHC; lĩnh vực địa chất và khoáng sản là 28 TTHC; lĩnh vực tài nguyên nước là 21 TTHC; lĩnh vực khí tượng thủy văn là 9 TTHC; lĩnh vực biển và hải đảo là 10 TTHC; lĩnh vực đa dạng sinh học là 1 TTHC.

Hiện nay Bộ TN-MT đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực TN-MT; dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường để trình ban hành và ban hành trong tháng 9-2022.

Bên cạnh đó, Bộ TN-NT yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực được giao quản lý để đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa; bảo đảm thực hiện mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành.

* Theo báo cáo vừa cập nhật ngày 29-9 mà Bộ KH-ĐT gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phục vụ phiên họp thẩm tra ngày 30-9, tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Cả năm 2022 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Chỉ tiêu duy nhất dự kiến không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội (ước tăng 5,2%; chỉ tiêu là 5,5%).

Năm 2023, trong 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, Bộ KH-ĐT dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 26,4 - 26,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%...

Để thực hiện những mục tiêu đề ra, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2023 tập trung vào 8 trọng tâm. Trong đó, giải pháp hàng đầu là giữ vững thành quả phòng, chống dịch Covid-19. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh thế giới, có phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Tiếp đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhất là các dự án có vai trò quan trọng để cơ bản xử lý các vướng mắc, khó khăn và tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh…

Tin cùng chuyên mục