Giảm phí qua trạm BOT Cai Lậy - Vẫn chưa thuyết phục, chưa tạo sự đồng tình

Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư đã họp, thống nhất giảm giá vé cho tất cả các phương tiện qua trạm thu phí, nhưng dư luận vẫn chưa đồng tình.
Sau những phản ứng quyết liệt của dư luận và người dân, trạm thu phí BOT (Cai Lậy) đã dừng từ ngày 14-8 để chờ quyết định của Bộ GTVT. Ảnh: KIẾN VĂN
Sau những phản ứng quyết liệt của dư luận và người dân, trạm thu phí BOT (Cai Lậy) đã dừng từ ngày 14-8 để chờ quyết định của Bộ GTVT. Ảnh: KIẾN VĂN

Liên quan về việc thu phí bất hợp lý tại Trạm thu phí Cai Lậy, ngày 16-8, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư đã họp, thống nhất giảm giá vé cho tất cả các phương tiện qua trạm thu phí, nhưng dư luận vẫn chưa đồng tình. Trong khi đó, Trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn tiếp tục ngưng hoạt động, chờ chủ trương của Bộ GTVT.

Tại cuộc họp, các bên đã thống nhất giảm giá dịch vụ tất cả phương tiện qua trạm với mức: Loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) từ 35.000 đồng/lượt giảm còn 25.000 đồng/lượt; Loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) từ 50.000 đồng/lượt giảm còn 35.000 đồng/lượt; Loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn) từ 60.000 đồng/lượt giảm còn 40.000 đồng/lượt; Loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 ft) từ 100.000 đồng/lượt giảm còn 70.000 đồng/lượt; Loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit) từ 180.000 đồng/lượt giảm còn 140.000 đồng/lượt; vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này.

Thời gian áp dụng từ ngày 21-8-2017. Đồng thời, các bên cũng thống nhất giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại các xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Thời gian áp dụng trước ngày 10-9-2017.

Sau khi có thông tin giảm phí qua trạm Cai Lậy, giới tài xế và doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở vùng ĐBSCL bày tỏ sự không đồng thuận. Nhiều tài xế cho rằng, trạm thu phí đặt trên tuyến tránh Cai Lậy mới hợp lý vì Công ty BOT Tiền Giang chỉ làm mới 12km tuyến tránh, còn tuyến quốc lộ 1 thì phương tiện đã đóng phí đường bộ rồi nên trách nhiệm của Bộ GTVT phải duy tu, bảo dưỡng.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, dự án tuyến tránh Cai Lậy và dự án tăng cường 26,5km mặt đường quốc lộ 1 là 2 hợp phần khác nhau, mặc dù cùng một chủ đầu tư.

Theo đó, dự án tuyến tránh thị trấn (nay là thị xã) Cai Lậy được Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư vào ngày 28-7-2009 tại Quyết định số 2174. Ngày 20-10-2009, Bộ GTVT có Quyết định số 3054 phê duyệt đề cương, dự toán công tác khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh. Đến ngày 4-12-2013, Tổng cục Đường bộ mới có tờ trình số 95 về việc trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh quốc lộ 1 và tăng cường mặt đường trên quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức hợp đồng BOT. Sau đó, Bộ GTVT mới có quyết định số 4173 về việc phê duyệt dự án tuyến tránh và “tăng cường mặt đường”. Như vậy, “tăng cường mặt đường” chỉ là một hợp phần để nhà đầu tư có cớ đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1.

Trong khi đó, trao đổi thông tin với báo chí, lãnh đạo của Bộ GTVT khẳng định vị trí đặt trạm hiện nay là đúng quy định của pháp luật. “Thông tư 159 của Bộ Tài chính hướng dẫn về pháp lệnh phí và lệ phí, thì trạm thu phí phải nằm trên phạm vi của dự án; trạm thu phí Cai Lậy hiện đang nằm trên phạm vi của dự án”, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án Đối tác công-tư, Bộ GTVT nói.

Tin cùng chuyên mục