Giảm phát thải trong nông nghiệp

Nhằm giảm lượng khí phát thải trong nông nghiệp, Chính phủ New Zealand và giới lãnh đạo nông trại đã nhất trí hợp tác trong kế hoạch chung tay phát triển việc định giá mức khí thải tại các trang trại vào năm 2025. 
Giảm phát thải trong nông nghiệp

Kế hoạch hành động chung kéo dài trong 5 năm, bao gồm việc cải thiện các công cụ đánh giá và chuẩn khí thải ở nông trại; đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa; tăng khả năng dự báo của nông trại và khuyến khích áp dụng sớm. Bên cạnh đó, nội các New Zealand cũng nhất trí đến năm 2022, Ủy ban Biến đổi khí hậu độc lập sẽ kiểm tra các tiến bộ đạt được và nếu các cam kết không được thực hiện, chính phủ có thể đưa lĩnh vực này vào Cơ chế mua bán khí thải (ETS) trước năm 2025.

Phát biểu sau khi công bố kế hoạch trên, Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết, kế hoạch mới sẽ trao cho người dân quyền tự chủ trong việc lên kế hoạch thực hiện việc giảm khí thải trong nông nghiệp và thưởng cho những người thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường này. Bà Ardern nhấn mạnh biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đe dọa thế giới và các quốc gia không nên né tránh vấn đề này để thế hệ tương lai không phải gánh hậu quả nặng nề.

Kế hoạch trên được công bố trong bối cảnh New Zealand đang đối mặt với tình trạng môi trường đang kêu cứu vì ô nhiễm ở hồ và sông, gây ảnh hưởng đến một đất nước nổi tiếng với hình ảnh thiên nhiên trong lành và thân thiện với môi trường. Tháng 4 năm nay, Cơ quan Thống kê New Zealand và Bộ Môi trường công bố báo cáo cho biết, gần 2/3 hệ sinh thái quý hiếm của New Zealand đang bị đe dọa sụp đổ và trong 15 năm trở lại đây, nguy cơ tuyệt chủng càng tồi tệ hơn đối với 86 loài. Khoảng 57% các hồ được giám sát có chất lượng nước kém và 76% cá nước ngọt bản địa gặp nguy hiểm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng; 1/3 côn trùng thủy sinh cũng bị đe dọa tuyệt chủng. Theo giới chuyên gia về môi trường, ngoài nguyên nhân mực nước biển dâng, nhiệt độ mặt đất và nhiệt độ đại dương ấm lên, còn có nguyên nhân do sự gia tăng mạnh số lượng đàn bò sữa ở New Zealand trong 20 năm qua đã gây tác động tàn phá đến chất lượng nước ngọt của đất nước. Hiện mạng lưới sông, hồ nguyên sơ rộng lớn của New Zealand đang nằm trong số hệ thống của những quốc gia ô nhiễm nhất thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Kế hoạch trên chỉ là một phần trong chương trình đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Chính phủ New Zealand. Nội các của Thủ tướng Jacinda Ardern cũng đã trình Quốc hội dự luật Zero Carbon, đưa mức thải khí CO2 về mức 0 vào năm 2025. Dự kiến, dự luật sẽ được bỏ phiếu trong cuối năm nay. Dự luật trên sẽ cho phép New Zealand góp phần tích cực vào mục tiêu chung của thế giới là kiềm chế nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,5oC so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Trong dự luật, hoạt động thải khí methane sinh học từ vật nuôi - nguồn thải 30% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính ở New Zealand trong lĩnh vực nông nghiệp được yêu cầu phải giảm 10% vào năm 2024. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chính phủ New Zealand đã nêu một số giải pháp chung, bao gồm giảm số lượng vật nuôi tạo khí thải cao và phát triển công nghệ giảm khí thải từ vật nuôi.

Tin cùng chuyên mục