Giảm nghèo bền vững

Với phương châm trao chiếc “cần câu” thay vì “con cá” để giúp người dân thoát nghèo bền vững, các quận, huyện và TP Thủ Đức (TPHCM) đã triển khai các mô hình trao phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. 

Thoát nghèo  

Bà Nguyễn Thị Rẻng (ngụ 19/40/11B Bình Thới, phường 11, quận 11) thuộc diện hộ khó khăn tại địa phương. Trước đây, bà bán cơm tấm ăn sáng trong con hẻm với thu nhập 100.000 đồng/ngày. Năm 2020, bà được Quỹ “Vì người nghèo” TPHCM trao tặng 1 xe bán cơm. Có phương tiện, thu nhập bình quân của bà tăng lên 300.000 đồng/ngày.

Giảm nghèo bền vững ảnh 1 Ông Võ Văn Tân (quận Phú Nhuận) bên chiếc xe gắn máy 
được trao tặng làm phương tiện sinh kế
Đặc biệt, trong thời gian thành phố giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, quán cơm của bà Rẻng chuyển sang bán trực tuyến, thu nhập đảm bảo trang trải cuộc sống trong những ngày khó khăn. “Trước đây bán trong hẻm không có mặt bằng nên việc buôn bán ế ẩm. Từ ngày được địa phương trao chiếc xe bán cơm, tôi mướn mặt bằng ở đường Bình Thới, việc buôn bán khá hơn. Tôi rất biết ơn vì được trao phương tiện sinh kế, giúp gia đình cải thiện đời sống”, bà Rẻng bày tỏ.


Ông Nguyễn Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 11 quận 11, cho biết, sau khi được hỗ trợ phương tiện sinh kế cùng sự chịu khó làm ăn, kinh doanh buôn bán, gia đình bà Rẻng đã vươn lên thoát nghèo.

Hơn 2 năm nay, tiệm cắt tóc của chị Nguyễn Thị Ngọc Sương ở phường 9, quận Phú Nhuận ngày càng đông khách, thu nhập khá. Chị Sương tâm sự, năm 2017, khi ra mở tiệm, do chưa có vốn nên chị làm tại nhà (phường 5, quận Phú Nhuận) nhưng lượng khách ít, thu nhập hàng tháng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Sau đó, địa phương hỗ trợ cho chị vay vốn mua máy móc, vật liệu, thuê mặt bằng rộng hơn, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ làm đẹp, nên lượng khách đến tiệm chị đông hơn, thu nhập tăng lên. “Hiện nay, hàng tháng ngoài việc trả lương cho 1 nhân viên, tiền thuê mặt bằng, chi phí khác, tôi còn dư 5-7 triệu đồng, hơn gấp đôi so với trước”, chị Sương vui mừng.  

Cũng tại quận Phú Nhuận, nhờ được trao phương tiện sinh kế là chiếc xe gắn máy nên công việc chạy xe ôm của ông Nguyễn Văn Chánh (phường 15) và ông Võ Văn Tân (phường 17) khá thuận lợi, nâng cao thu nhập cho gia đình. “Nghề chạy xe ôm gom từng đồng bạc không biết đến chừng nào sắm được chiếc xe mới. Vì vậy, khi được địa phương tặng chiếc xe làm phương tiện sinh kế, tôi rất mừng và biết ơn”, ông Tân bộc bạch.

Khảo sát nhu cầu để hỗ trợ phù hợp

Bà Đặng Thị Lý, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Phú Nhuận, chia sẻ, quá trình phối hợp thực hiện chương trình chăm lo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhận thấy một số thành viên rất chịu khó lao động nhưng không có phương tiện sinh kế làm ăn để tăng thêm thu nhập cho gia đình, vì thế Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận đã khảo sát nhu cầu thực tế của từng thành viên những hộ này. Đơn vị cũng vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí mua các phương tiện sinh kế theo nhu cầu đã khảo sát nhằm phát huy tối đa hiệu quả của phương tiện được trao tặng.

Từ năm 2016 đến nay, quận trao gần 100 phương tiện sinh kế như xe gắn máy, máy may, xe bán nước giải khát..., trị giá hơn 1 tỷ đồng. Theo bà Đặng Thị Lý, mô hình này giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tăng thu nhập, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và tự nguyện xin ra khỏi chương trình. 

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi cho hay, trong 5 năm (2016-2020), hệ thống MTTQ từ huyện đến xã, thị trấn đã vận động trao tặng 525 phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn… với tổng giá trị hơn 2,5 tỷ đồng. Tương tự, trong 2 năm (2019-2020), quận 11 hỗ trợ 19 phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Các hộ nhận phương tiện sinh kế khai thác, sử dụng phương tiện hiệu quả, thu nhập gia đình từng bước được nâng lên. Một số hộ từ hộ nghèo đã được nâng chuẩn và vượt chuẩn nghèo tại địa phương, kinh tế gia đình từng bước được ổn định. “Đây là cách làm hiệu quả giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo một cách căn cơ nên quận tiếp tục duy trì trong thời gian tới”, ông Đào Thanh Long, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 11, khẳng định. 

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, từ năm 2016 đến năm 2020, Quỹ “Vì người nghèo” TPHCM đã vận động được hơn 987 tỷ đồng và đã chăm lo với số tiền hơn 870 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ vốn, phương tiện làm ăn cho 1.579 hộ hơn 13 tỷ đồng. Thời gian tới, Quỹ “Vì người nghèo” tiếp tục được duy trì để chăm lo tốt các nhu cầu thiết thực của hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục