Giảm nghèo bền vững

Trong hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có thành tựu nổi bật về xóa đói giảm nghèo.

 Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ hơn 58% năm 1993 xuống còn khoảng 3,73% - 4,23% cuối năm 2019 theo chuẩn đa chiều (năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam theo chuẩn đa chiều giảm 1% - 1,5%). Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và coi Việt Nam là một điển hình trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên toàn cầu.

Chính phủ hiện đang tiến hành song song 2 chương trình mục tiêu quan trọng: xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả giảm nghèo đã đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, bình quân mỗi năm có khoảng trên 300.000 hộ nghèo thoát nghèo. Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các ban, bộ ngành đã nỗ lực xây dựng nhiều chương trình huy động sức mạnh của toàn xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Kết quả, 10 năm qua đã huy động được hơn 50.000 tỷ đồng từ cộng đồng xã hội cho chương trình giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh sự chung tay của cả cộng đồng, nhiều người nghèo cũng có ý thức chia sẻ, giúp đỡ người nghèo hơn, xin ra khỏi hộ nghèo. Những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày càng nhiều hơn, từ những tỉnh khó khăn như Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Kon Tum... Thậm chí, có những lá đơn của các cụ già cao tuổi xin ra khỏi hộ nghèo để dành các hỗ trợ giảm nghèo cho người nghèo hơn.

Nhận xét về vấn đề nêu trên, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 mới đây của Bộ LĐTB-XH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Điều đó cho thấy một mặt hiệu quả của chính sách giảm nghèo, nhưng quan trọng hơn, đó là việc người dân đã dần từ bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước để nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Chúng ta đã tạo niềm tin, khát vọng muốn xóa nghèo của người dân. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo cao. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ vẫn còn cao, do đó, cùng với chính sách giảm nghèo của Nhà nước, việc vận động, ủng hộ người nghèo phải là công việc thường xuyên, liên tục của Mặt trận Tổ quốc, của cả hệ thống chính trị.

Ngay từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững năm 2011-2020 và công cuộc giảm nghèo bền vững của Việt Nam đã đi những bước dài. Năm 2020, Quốc hội đề ra chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1% - 1,5%; riêng các huyện nghèo giảm 4%. Để giảm nghèo bền vững trong năm 2020, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có những chính sách hỗ trợ cả về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm… Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp. Trong đó, lưu ý các chính sách khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống.

Cần kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trước mắt là giảm nghèo ở đối tượng chính sách, phấn đấu trong thời gian ngắn nhất, bảo đảm không còn hộ gia đình chính sách nào có thu nhập thấp hơn mức sống trung bình của khu dân cư. Đồng thời, phải chuyển hướng tiếp cận nghèo theo đa chiều thực chất hơn, để thiết kế chính sách giúp người dân phát huy tinh thần tự lực, vươn lên thoát nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn… Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020.

Tin cùng chuyên mục