Giảm mạnh giá hỗ trợ người tiêu dùng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, để kích cầu tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp (DN) đang chủ động thực hiện các hoạt động giảm giá mạnh tay, liên tục trong suốt tháng 8 này. 

Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu

Báo cáo khảo sát Niềm tin người tiêu dùng được thực hiện bởi The Conference Board® và Nielsen, công bố đầu tháng 8-2020 cho thấy, quý 2-2020, người Việt Nam thừa nhận rằng họ đã chi tiêu ít hơn so với quý trước. Xếp sau tiết kiệm, tiền nhàn rỗi của họ được chi cho quần áo mới chiếm 39%, giảm 3% so với quý 1-2020. Theo Nielsen Việt Nam, điều này xuất phát từ việc cắt giảm nhân sự và bất ổn trong công việc của nhiều người dân, làm gia tăng sự lo lắng về thu nhập và tài chính của họ, dẫn tới việc cắt giảm bớt những chi tiêu không cần thiết.

Hàng hóa được giảm giá mạnh tại hệ thống Co.opmart
Chị Hoàng Như Thảo (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ, nếu như hồi đầu năm gia đình chị chi tiêu cho mua sắm, ăn uống khoảng 10 triệu đồng/tháng thì nay các chi phí này đã được tiết giảm xuống mức thấp nhất có thể. Theo đó, chị chỉ mua các nhu yếu phẩm hàng ngày, đồ dùng khác như tivi, bàn là hay thậm chí là quần áo chị sẽ mua khi thật cần thiết hoặc hư hỏng. Với gia đình chị Hồ Thị Hương (quận 7, TPHCM), từ tháng 5 trở lại đây, chồng chị bỗng dưng mất việc vì dịch Covid-19 và phải chuyển qua làm một việc “tay ngang” khác với thu nhập không mấy khả quan. Cũng từ đó, chị buộc phải giảm bớt chi tiêu vào các việc không thiết yếu như ăn nhà hàng, mua sắm đồ công nghệ. 

Trong báo cáo được đưa ra của Sở Công thương TPHCM cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố 7 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 718.133 tỷ đồng, giảm 3,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,2%). Đây là mức giảm lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. 

Giảm giá, kích cầu, vực dậy bán lẻ

Theo Sở Công thương TPHCM, để vực dậy ngành bán lẻ, các hệ thống phân phối hiện đại tại thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, đồng thời kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, apps và hỗ trợ chính sách giao hàng. Sự chủ động và thích ứng nhanh của các đơn vị bán lẻ đã và đang tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ, góp phần cải thiện doanh số, kéo người tiêu dùng trở lại. Cụ thể, trong tổng mức bán lẻ của thành phố giảm thì riêng doanh thu bán lẻ 7 tháng đầu năm đạt 463.447 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Những DN tiên phong, đi đầu trong các hoạt động trên trong suốt thời gian qua phải kể tới như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Vincom, BigC, Lotte Mart… 

Nhìn về triển vọng của thị trường bán lẻ trong các tháng cuối năm, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam, nhận xét: Ước tính đến hết năm nay, tâm lý người tiêu dùng vẫn dè dặt chi tiêu và ưu tiên các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu cũng như về sức khỏe. Đây cũng là điều dễ hiểu khi các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà… vẫn đang tiếp tục được DN bán lẻ thực hiện để hỗ trợ người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh dịch vừa bùng phát trở lại. Điển hình có thể kể tới Saigon Co.op. Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước của Saigon Co.op sẽ đồng loạt áp dụng giảm giá các nhu yếu phẩm thiết yếu để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng trên cả nước trong suốt tháng 8-2020. Chương trình được chia làm 2 đợt chính. Đợt 1, từ nay đến ngày 19-8, đang tập trung giảm giá cho 4 nhóm hàng chính gồm thịt, cá, dầu ăn, mì gói và các loại gia vị. 

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết, đơn vị đã phối hợp hàng trăm nhà cung cấp, đối tác cùng chốt phương án thực hiện giảm giá hàng hóa cho tháng 8 này. Ưu tiên giảm giá hàng đầu vẫn là các loại thực phẩm tươi sống. Song song với việc tập trung giảm giá cho các loại thịt, cá, dầu ăn, mì gói, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food cũng áp dụng giảm từ 10%-30%  cho hàng loạt gia vị như hạt nêm, bột ngọt, nước tương, tương ớt, nước mắm, các loại sốt trong nước và nhập khẩu. Nhóm dụng cụ nhà bếp gồm các loại lò, các loại nồi, dao, nồi cơm điện... giảm trung bình 40%. Các loại rau củ quả giảm trung bình 20%. Các loại sữa tắm, nước giặt, nước xả vải, nước rửa chén…. giảm gần 70% khi mua sản phẩm thứ 2 cùng loại. 


Đặc biệt là thịt heo và thịt bò sẽ tập trung giảm giá liên tục vào 3 ngày cuối tuần trong suốt tháng 8-2020 với mức giảm từ 10%-20% so với giá thông thường. Tất cả sản phẩm đều đảm bảo tươi ngon, an toàn thực phẩm. Tương tự, các nhà bán lẻ khác cho biết đang tích cực giảm giá luân phiên cho nhiều sản phẩm thiết yếu, thậm chí có siêu thị còn cam kết bán thịt heo không lợi nhuận đến hết tháng 8-2020. Với những chương trình này, nhà bán lẻ mong muốn vừa chia sẻ áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng lại vừa góp phần tăng doanh thu cho DN.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, thị trường trong nước đã chứng tỏ được sức mạnh như một trụ đỡ chống lại dịch Covid-19. Chính vì vậy, việc chủ động thực hiện các chương trình kinh doanh, kích cầu của các DN rất có ý nghĩa. Về phía Bộ Công thương, luôn bám sát diễn biến của dịch bệnh và tình hình thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tin cùng chuyên mục