Giảm gánh nặng chi phí học hành

Năm học 2022-2023 đến gần trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân; sức ép lạm phát lại rất lớn, giá cả tăng đang khiến sự chịu đựng của người dân, nhất là người dân nghèo, công nhân lao động càng trở nên nặng nề hơn. Trong bối cảnh đó, vấn đề giá sách giáo khoa (SGK), học phí càng thêm nóng. Trong 2 ngày qua, khi Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng nêu trăn trở xung quanh vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, khung học phí mới được Chính phủ ban hành từ năm 2021 nhưng chưa địa phương nào triển khai do dịch Covid-19. Năm học này, một số địa phương dự kiến tăng, các trường đại học cũng tăng tùy mức độ tự chủ. Bộ GD-ĐT không có quyền quyết định việc tăng học phí này, chỉ có thể đề nghị các bộ, ngành, địa phương cân nhắc, xem xét lộ trình tăng học phí để chia sẻ khó khăn với người dân. Còn giá SGK hiện đã được xã hội hóa theo nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD-ĐT cũng chỉ có thể đề nghị về mặt chuyên môn để các đơn vị liên quan không đội giá SGK, đồng thời kiến nghị với Bộ Tài chính trình cơ quan có thẩm quyền đưa SGK là mặt hàng do Nhà nước định giá. Có thể thấy, dù trước, trong kỳ họp Quốc hội, Bộ GD-ĐT đã có thông tin về vấn đề giá SGK, học phí, nhưng vẫn chưa làm thỏa mãn dư luận xã hội, chưa giải đáp được bức xúc của các đại biểu.

Ngày 2-6, tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, nếu áp dụng mức học phí mới thì sẽ cao hơn từ 3-5 lần so với năm học vừa qua. Trong điều kiện hiện nay, đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo thống nhất việc tạm hoãn tăng học phí trong năm học tới để người dân đỡ khó khăn hơn.

Tương tự, về giá SGK, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, việc tăng giá sách trong thời điểm này sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, các gia đình thuộc diện hộ nghèo. Chính phủ cần sớm có những biện pháp hữu hiệu để quản lý giá SGK - mặt hàng đặc biệt thiết yếu, tránh tăng giá tùy tiện, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, tạo dư luận không tốt. 

Song song đó, cần triển khai thêm các giải pháp để bảo đảm người dân chỉ phải bỏ ra khoản chi phí hợp lý nhất. Với SGK, dù hiện nay đã hoàn toàn thực hiện theo xã hội hóa, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn có thể sử dụng công cụ quản lý để các nhà xuất bản phải bán SGK ở mức hợp lý nhất. Giá SGK năm nay tăng cao một phần do quá nhiều đầu sách, trong đó có những cuốn chỉ mang tính tham khảo, do đó, Bộ GD-ĐT cần chỉ rõ những cuốn nào bắt buộc phải mua, cuốn nào có thể không mua để tránh lãng phí.

Mặt khác, Bộ GD-ĐT cần đẩy mạnh tuyên truyền ý thức tiết kiệm trong sử dụng SGK cho toàn xã hội. Phương thức mua SGK hiện nay của người dân là mua qua nhà trường. Phụ huynh vì lý do “nể nang” đều đăng ký mua SGK mới cho con, trong khi hoàn toàn có thể sử dụng lại SGK cũ, khiến cho những bộ SGK chỉ mới một lần sử dụng đã bị bỏ đi. Các địa phương cần tiếp tục đầu tư mua sắm SGK dùng chung cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp học sinh có SGK để học, và có thể dùng sách nhiều lần, tránh được lãng phí, giảm được gánh nặng chi phí học hành.

Tin cùng chuyên mục