Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên: Đảm bảo cung ứng đủ hàng tết, giá bán ổn định

Công tác triển khai chuẩn bị hàng hóa tết tại TPHCM đang diễn ra như thế nào? TPHCM đã và đang làm gì để kiểm soát cung - cầu, ổn định giá cả thị trường, đặc biệt là mặt hàng thịt heo? Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, về những vấn đề nêu trên.
Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên
Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên

Dự báo sức mua dịp tết tăng 12% - 15%

Phóng viên: Thưa ông, còn khoảng 1 tháng nữa đến Tết nguyên đán, hiện công tác chuẩn bị, dự trữ hàng hóa được TPHCM triển khai như thế nào? Đâu là những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện?

Ông Phạm Thành Kiên: Năm nay, việc chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019 đã được lãnh đạo UBND TPHCM chỉ đạo từ rất sớm. Hàng hóa tết tại TPHCM chủ yếu được cung ứng từ 3 nguồn chính: gồm các doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường (BOTT), từ 3 chợ đầu mối và từ các DN khác. Trong 3 nguồn cung ứng thì các DN BOTT đóng vai trò chủ lực (chiếm từ 30% - 40% thị phần) và nguồn cung từ 3 chợ đầu mối chiếm đến 60% - 70% thị phần.

Cụ thể, các DN BOTT chuẩn bị nguyên vật liệu, sản xuất, dự trữ hàng hóa là 18.424,8 tỷ đồng, tăng 612,7 tỷ đồng (3,44%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018 (17.812,1 tỷ đồng). Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng BOTT là 7.532,6 tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng 13,2% - 16,9% so kế hoạch TP giao và tăng 23% - 36% so kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018. Sở Công thương TP đã phối hợp sở công thương tỉnh Đồng Tháp và Lâm Đồng tổ chức nhiều hoạt động kết nối, tiếp xúc giữa thương nhân các chợ hoa và người nuôi trồng tại các tỉnh này để thông tin về nhu cầu thị trường TPHCM và khả năng cung ứng của các địa phương.

Qua theo dõi, về cơ bản, công tác chuẩn bị nguồn hàng tết trong thời gian qua gặp nhiều thuận lợi do giá cả nhiều loại nguyên - nhiên liệu đầu vào tương đối ổn định, số lượng DN tham gia chương trình BOTT tăng lên. Đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ các DN chuẩn bị hàng hóa tết rất dồi dào. 

Tuy nhiên, chúng tôi không thể chủ quan mà phải hết sức thận trọng theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch và nhanh chóng giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình chuẩn bị nguồn hàng. Đặc biệt, đối với một số mặt hàng thiết yếu như thịt heo, rau củ quả, trứng vịt, hoa tươi sẽ được giám sát chặt chẽ, theo dõi từng ngày để không xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá.

 Ông có thể đưa ra nhận định về sức mua, cung cầu và giá cả hàng hóa tết năm nay?

 Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TPHCM ước đạt 1.045.789 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm trước (năm 2017 chỉ tăng 11,32%); trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 676.708,39 tỷ đồng, chiếm 64,7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 13,8% (cùng kỳ tăng 11,29%).

Tôi cho rằng, động lực phát triển thị trường bán lẻ đến từ 2 yếu tố cốt lõi, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng của TPHCM nói riêng và cả nước luôn giữ được mức cao. 

Trên cơ sở đó, dự báo sức mua năm nay sẽ tăng từ 12% - 15% so với Tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, xu hướng tiêu dùng có sự thay đổi đáng kể, doanh thu các mặt hàng rau củ quả, cá, thủy hải sản, trái cây sẽ có mức tăng trưởng cao hơn so với các mặt hàng như thịt heo, thịt gia cầm. Thị trường tết sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý và nhiều DN TP sẽ có điều kiện mở rộng thị phần và mạng lưới phân phối. 

“Khóa” giá thịt heo và các mặt hàng thiết yếu 

 Liệu thị trường TPHCM có thiếu thịt heo vào cao điểm mua sắm tết? TP có biện pháp gì để ổn định giá thịt heo?

 Năm 2018, thịt heo là mặt hàng luôn biến động rất phức tạp. Giá thịt heo liên tiếp tăng trong tháng 1, tháng 2; giảm nhẹ trong tháng 3. Trong tháng 4, tháng 5 giá heo hơi tăng liên tiếp từ 31.000 đồng/kg lên 48.000 đồng/kg. Sang quý 3-2018, giá heo hơi biến động phổ biến mức giá 48.000 - 50.000 đồng, có lúc tăng lên 56.000 đồng/kg, nhưng hiện nay ổn định ở mức 46.000 - 51.000 đồng/kg. Với mức giá hiện nay, người chăn nuôi đã có lãi, việc tái đàn có xu hướng tăng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Trên phạm vi cả nước, Bộ NN-PTNT cũng đã có nhiều giải pháp quyết liệt để giữ ổn định thị trường cũng như hoạt động chăn nuôi heo.

Tại TPHCM, những đơn vị chăn nuôi, giết mổ, phân phối mặt hàng thịt heo lớn nhất khu vực phía Nam như Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, CP Việt Nam… đều tham gia chương trình BOTT và đang cung ứng lượng hàng hóa đủ sức chi phối thị trường. Đồng thời, do có kế hoạch từ sớm, nguồn nguyên liệu sẵn sàng, nên chương trình BOTT sẽ thực hiện “khóa” giá thịt heo và các mặt hàng thiết yếu khác kể từ ngày 1 tháng Chạp, không tăng cho đến hết tháng Giêng.

Với những điều đã nói, tôi tin là giá cả mặt hàng thịt heo rất khó có khả năng biến động lớn từ nay đến Tết Nguyên đán.

Như vậy, nguồn hàng cung ứng cho thị trường tết sẽ không thiếu. Vấn đề còn lại là Sở Công thương sẽ triển khai mạng lưới phân phối hàng tết ra sao để người dân có thể mua sắm tốt nhất? 

Đúng như vậy. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình BOTT, lãnh đạo TP đã xác định song song với công tác tạo nguồn hàng có chất lượng, giá bán ổn định thì việc phát triển mạng lưới phân phối đóng vai trò rất quan trọng. Từ quan điểm này, chương trình đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc phát triển điểm bán, đưa hàng bình ổn đến đông đảo người tiêu dùng TP. 

Tính đến nay, TPHCM đã phát triển được 239 chợ, 203 siêu thị, 46 trung tâm thương mại (TTTM) và 2.279 cửa hàng tiện lợi (tăng 3 TTTM và 507 cửa hàng tiện lợi so với thời điểm cuối năm 2017). Về mạng lưới điểm bán hàng BOTT, hiện tổng số điểm bán của 4 chương trình là 10.817 điểm bán, tăng 513 điểm bán so với năm 2017. Riêng chương trình Lương thực - thực phẩm có 4.209 điểm bán, gồm 112 siêu thị, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 131 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư. Trong đó, có 1.011 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành, 19 điểm bán phục vụ công nhân tại 11 KCN- KCX. 

Tết năm nay, các DN tăng cường bán hàng lưu động với 344 chuyến, tập trung tại các quận ven, huyện ngoại thành, KCX-KCN, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn tết... 

Với cách làm đa dạng, tôi tin hàng tết có chất lượng và ổn định về giá sẽ được phủ kín và đưa đến tận tay người tiêu dùng TP.

 Từ nay đến tết, các sở ngành sẽ triển khai những biện pháp gì nhằm tránh tình trạng khan hàng, sốt giá giả tạo, đồng thời hạn chế nạn kinh doanh hàng gian, hàng giả và kém chất lượng trên thị trường?

 Công tác thanh tra, kiểm tra lượng cung ứng, giá cả hàng hóa dịp tết là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của các sở ngành trong Tổ kiểm tra BOTT. Hiện các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp tết. Trong đó, liên quan đến hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa tết, Sở Công thương tập trung kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất tạo nguồn hàng BOTT, hoạt động của các cơ sở bán lẻ, điểm bán hàng BOTT; Sở Tài chính phối hợp UBND 24 quận huyện tập trung thanh kiểm tra về giá cả, niêm yết và bán đúng giá, đặc biệt là đối với các sản phẩm BOTT; Cục Quản lý thị trường TPHCM tập trung kiểm tra kiểm soát hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.

Điểm mới trong mùa tết năm nay là TPHCM khuyến khích các DN sản xuất theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, đồng thời thực hiện việc sơ chế phân loại nông sản tại nguồn trước khi đưa vào thị trường TP. Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?

 Với mục tiêu xây dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh của DN, Sở Công thương TP cùng các tỉnh thành bạn đã phối hợp thực hiện định hướng, chuẩn hóa, nâng chất lượng hàng hóa tham gia chuỗi thông qua thực hiện sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, đầu tư bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc giúp đưa nông sản Việt vươn xa hơn, hướng tới xuất khẩu. Theo đó, các bên cũng thống nhất các tiêu chí và điều kiện cung cấp hàng hóa vào thị trường TP. Hệ thống phân phối TP ký hợp đồng bao tiêu và chỉ tiếp nhận, tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó người dân TP sẽ được cung cấp các mặt hàng nông sản có thương hiệu, chất lượng, an toàn.

Về việc sơ chế, phân loại nông sản tại nguồn, hiện nay, lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành về các chợ đầu mối tại TPHCM ngày càng nhiều, đồng nghĩa lượng rác thải phát sinh ngày càng lớn, chủ yếu là từ các hoạt động sơ chế, phân loại, đóng gói, như các loại rau, củ, quả bị héo úa, dập nát, hư hỏng… Điều này vừa gây ô nhiễm môi trường sống vừa mang nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, phát sinh các nguồn bệnh và gây áp lực lớn cho công tác thu gom và xử lý rác. 

Để từng bước giải quyết vấn đề này, Sở Công thương TPHCM phối hợp với các tỉnh, thành nghiên cứu, xây dựng giải pháp và vạch ra lộ trình cụ thể và từng bước thực hiện sơ chế tại nguồn đối với ba chợ đầu mối. Cụ thể, trong thời gian tới, tất cả hàng hóa nông sản thực phẩm của các tỉnh từ miền Tây, miền Đông, miền Trung và phía Bắc nhập vào 3 chợ phải được sơ chế, phân loại, kiểm dịch an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đóng gói vào bao bì, để phân phối trực tiếp vào các chợ bán lẻ, siêu thị, các cửa hàng, các nơi tiêu dùng khác trên địa bàn TP và các tỉnh, thành khác. 

Không chỉ dịp tết tới đây, trong dài hạn chúng tôi kỳ vọng việc sơ chế tại nguồn là một cơ sở quan trọng để nâng cao giá trị chuỗi sản xuất nông sản hướng tới xuất khẩu.

 Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục