Giám đốc Mega GS Vũ Thị Bích Liên: Phim truyền hình phải gai góc hơn

Phim truyền hình Việt thời gian qua có những chuyển biến tích cực, không chỉ lấy lại niềm tin nơi khán giả mà còn giúp các nhà sản xuất (NSX) có thêm động lực. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS, đơn vị tư nhân đều đặn sản xuất phim truyền hình, xung quanh thực trạng cùng tương lai của loại hình này.   

Giám đốc Mega GS Vũ Thị Bích Liên: Phim truyền hình phải gai góc hơn

° PHÓNG VIÊN: Tại sao Mega GS quyết định chuyển thể Lôi vũ, một tác phẩm đình đám trên sân khấu, sang phiên bản phim truyền hình với tên gọi Tiếng sét trong mưa?

° Bà VŨ THỊ BÍCH LIÊN: Những tác phẩm hay thì ai cũng muốn chuyển thể. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên chúng tôi chuyển thể kịch, cải lương thành phim. Trước đó, vở kịch Sông dài được chuyển thể thành một bộ phim thành công. Trong kế hoạch sản xuất, công ty chúng tôi đang chuyển thể 1-2 phim từ kịch, cải lương. Nguyên nhân chính nằm ở khán giả.

Giám đốc Mega GS Vũ Thị Bích Liên: Phim truyền hình phải gai góc hơn ảnh 1
Theo tôi, hiện tại nếu phim truyền hình chỉ phản ánh những gì màu hồng, khán giả sẽ không thích. Cuộc sống dù ở bất kỳ giai đoạn nào, luôn đa chiều, có trắng - đen, tốt - xấu. Những kịch bản phản ánh thực tế xã hội, tính đời rất cao, càng gay cấn càng khiến khán giả tin là thật.

Riêng với Tiếng sét trong mưa, kịch bản này đảm bảo cao trào lên đỉnh điểm, trong bản thân mỗi con người có thiện - ác và đấu tranh nội tâm dữ dội.  

° Ê kíp có áp lực trước thành công của phiên bản kịch, cải lương, vốn đã gắn liền với tên tuổi của nhiều nghệ sĩ gạo cội? 

° Với nhiều năm trong nghề, tôi không thấy áp lực. Tôi chỉ quan niệm, cứ làm tốt, đừng quá tham lam và không nên suy nghĩ quá nhiều về lợi nhuận. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, nói vậy lấy đâu ra tiền để làm phim? Tôi cho rằng, nếu chấp nhận nó là một nghề thay vì đi làm công, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn. Nói ra không ai tin, nhưng kinh phí sản xuất phim hơn 10 tỷ đồng và trong 2 năm qua, chúng tôi lời chưa đến 1 tỷ đồng. Thử hỏi, có ai dám làm nếu không có vốn, hay phải đi vay ngân hàng.  

Với dự án này, có diễn viên ban đầu còn hét giá cát-xê, nhưng sau đó nhất quyết xin vai bằng được, bởi khi đọc kịch bản, ai cũng rất thích phim này. Tôi phải thú thực, phim này sản xuất quá cực, thời gian quay dài, khó khăn chồng chất. Riêng việc sắp xếp lịch quay cho diễn viên đã không đơn giản. Muốn phim tốt, diễn viên phải “cứng” nghề, nhưng họ lại luôn bận rộn. Khi chọn diễn viên, tôi yêu cầu hình thức có thể chỉ đạt 8 điểm nhưng diễn xuất phải đạt 10 điểm. Với phim truyền hình, diễn viên không diễn được sẽ không thể giữ nhịp phim và giữ chân khán giả.  

° Sau nhiều năm, kinh phí trung bình cho một tập phim truyền hình vẫn dao động mức 180 triệu đồng/tập. Các đơn vị sản xuất tư nhân đã gặp khó khăn như thế nào?

° Thực tế không hẳn lúc nào cũng vậy, vì các đài truyền hình hiểu điều đó. Có những dự án chúng tôi đang sản xuất như Vua bánh mì, riêng tiền mua kịch bản nước ngoài đã khoảng 1.000USD/tập, nhưng đài vẫn chấp nhận đầu tư. 

Kinh nghiệm của chúng tôi là khi có ý tưởng, sẽ trao đổi với đài trước, nếu được duyệt, sẽ viết kịch bản đề cương, rồi kịch bản chi tiết. Nếu ngay từ đầu, mình bắt tay vào viết mà không được đài duyệt là đã mất tiền, vì vẫn phải trả chi phí cho ê kíp biên kịch. Tất nhiên, chúng tôi có lợi thế hơn so với các công ty mới, vì mình đã có kinh nghiệm và sự tin tưởng của đài sau quá trình hợp tác. Nhiều trường hợp, có những ý tưởng kịch bản, đài tư vấn không nên làm khi có những yếu tố không phù hợp liên quan đến chuyện kiểm duyệt, kinh phí sản xuất…  

° Sau hiện tượng Về nhà đi con, nhiều người nói phim truyền hình Việt đang hồi sinh. Bà thấy nhận định này như thế nào? 

° Sau Về nhà đi con, mọi người bừng tỉnh, nghĩ rằng phim truyền hình quay lại, nhưng thực tế giờ vàng phim Việt trên VTV hay Truyền hình Vĩnh Long vẫn được duy trì. Bản thân báo chí, đặc biệt báo mạng, cũng ít khai thác về phim truyền hình, vì không thể thu hút lượt xem như gameshow. Bên cạnh đó, thời gian qua, gameshow hay truyền hình thực tế ồn ào hơn, vì có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi và nó là món ăn mới với khán giả Việt.

Tôi cho rằng, sự khác biệt của gameshow là các format tương đối giống nhau, trong khi phim truyền hình mỗi tác phẩm có câu chuyện riêng. Xem gameshow có thể nhảy cóc, nhưng phim truyền hình nhất thiết phải xem liên tục, nếu không muốn bỏ lỡ các chi tiết. Do đó, phim truyền hình giống như cơm ăn hàng ngày.

Giai đoạn khó khăn của phim truyền hình, có những tập phim trên đài Vĩnh Long chỉ có 1-2 phút quảng cáo, nhà đài phải chấp nhận bù lỗ, nhưng nhất quyết không bỏ khung phim Việt. Tôi rất nể phục vì đài không chỉ nghĩ cho phim Việt, mà còn cho thấy chiến lược, đầu óc tính toán rất thông minh. Ngay cả trên thế giới, cách xem có thể khác, khi có nhiều nền tảng trực tuyến, nhưng phim truyền hình vẫn luôn giữ vị thế.  

Hiện nay, như tôi được biết, nhiều kênh truyền hình tại Việt Nam ngoài việc duy trì khung giờ cố định còn có ý định mở rộng thêm các khung giờ phim mới và chiến lược giờ vàng phim Việt vẫn rất được ưu tiên. Việc sắp xếp khung giờ phát sóng phải thật sự khoa học cho cả gameshow và phim truyền hình, giúp khán giả định hình được giờ nào mình được xem cái gì.   

° Theo bà, xu hướng sản xuất phim truyền hình thời gian tới có thay đổi gì?

° Các bộ phim bắt buộc phải thực tế hơn, gai góc hơn về kịch bản, càng bám sát đời sống xã hội càng tốt. Riêng với vấn đề thẩm định, cần tiết chế nhưng không nên cấm đoán quá nhiều, làm khó cho đơn vị sản xuất. Khi số lượng phim không nhiều như giai đoạn trước, đòi hỏi diễn viên diễn phải chất hơn.

Về mặt kỹ thuật, ngoài những yếu tố đầu tư về bối cảnh, nhịp phim phải được đẩy nhanh, tránh sự rườm rà, lan man và các đạo diễn nhất định phải thay đổi gu làm phim. Tôi tin trong 2 năm tới phim truyền hình sẽ tiếp tục sôi động, đặc biệt khi các đài lớn tăng thời lượng phát sóng phim.

Tin cùng chuyên mục