Giảm đồ nhựa, lợi ích kép

Rác thải nhựa đang gây ô nhiễm nhiều nơi, nhất là ở các đại dương và gây hại cho nhiều loài sinh vật. Mặt khác, sản xuất đồ nhựa tiêu tốn nhiều năng lượng và tăng lượng khí thải nhà kính. Vì vậy, yêu cầu giảm sử dụng đồ nhựa ở nhiều nước trên thế giới, nhất là Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng bức bách.
Nhựa và rác thải nhựa trên toàn cầu gây ra nhiều vấn đề nan giải
Nhựa và rác thải nhựa trên toàn cầu gây ra nhiều vấn đề nan giải

Người phát ngôn về môi trường của Ủy ban châu Âu (EC), ông Adalbert Jahnz, cho biết, EU đang thực hiện một kế hoạch toàn diện chuyển đổi sang nền kinh tế tái tạo, trong đó chú ý giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất nhựa. EU đã thực hiện một số bước đối với việc hạn chế sản xuất nhựa, bao gồm chiến lược năm 2018 cấm một số mặt hàng nhựa sử dụng một lần. Khối cũng hướng tới một thỏa thuận ràng buộc quốc tế về chấm dứt ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, hiện EU vẫn chưa thực hiện bất kỳ bước nào để ngừng sản xuất nhựa mới.

Giờ đây, trước cuộc khủng hoảng năng lượng mùa đông, EU phải khẩn cấp cắt giảm sản lượng nhựa của mình để giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Sản xuất nhựa chiếm gần 9% lượng khí đốt và 8% lượng dầu tiêu thụ của EU vào năm 2020. Theo ông Delphine Lévi Alvarès, Điều phối viên châu Âu của phong trào Không sử dụng nhựa, các sản phẩm ngành hóa dầu nói chung (trong đó có nhựa) chiếm gần 40% lượng dầu, khí đốt và điện công nghiệp của EU, là ngành tiêu tốn năng lượng nhiều nhất của khối. Trong khi các gia đình và doanh nghiệp nhỏ trong EU đang phải đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt, ngành công nghiệp hóa dầu đang lãng phí năng lượng để sản xuất nhựa sử dụng một lần không cần thiết.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, theo Reuters, Mỹ đang tìm cách thành lập một liên minh các nước để thúc đẩy các cuộc đàm phán về hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu với mục tiêu không còn rác thải nhựa vào năm 2040. Động thái này theo mô hình tương tự Hiệp định khí hậu Paris năm 2015. Trước đó, vào tháng 2, các thành viên của Liên hiệp quốc đã nhất trí thành lập hiệp ước đầu tiên trên thế giới nhằm giải quyết vấn nạn rác thải nhựa kéo dài từ các rãnh đại dương đến các đỉnh núi, với mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2024. Vào tháng 8, 20 quốc gia, bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức và một số nước khác đã thành lập Liên minh chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Ở chiều ngược lại, theo nghiên cứu của Quỹ Động vật hoang dã thế giới, sản lượng nhựa toàn cầu được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới, trong khi lượng nhựa đổ ra đại dương sẽ tăng gấp ba lần. Điều đó sẽ gây ra sự hủy hoại môi trường trên diện rộng, phá hủy các hệ sinh thái nhạy cảm và khiến một số loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo báo Brussels Times, ngành công nghiệp nhựa EU có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng khí đốt và dầu tiêu thụ trong vòng 20 năm tới, không phù hợp với Thỏa thuận Xanh và cam kết của EU trong việc giữ cho sự nóng lên toàn cầu dưới 1,5oC. Bất chấp sự phản đối ngày càng tăng và luật pháp trên khắp châu Âu nhằm cắt giảm bao bì nhựa thừa, thay thế bằng các thùng chứa có thể phân hủy sinh học hoặc tái sử dụng, bao bì nhựa vẫn chiếm 40% sản phẩm nhựa ở EU. Để sản xuất ra khối lượng bao bì nhựa này, cần lượng khí đốt tương đương với lượng khí đốt Hungary và lượng dầu của Thụy Điển tiêu thụ vào năm 2020.

Các nhóm công nghiệp nhựa đã vận động các chính phủ, bao gồm cả Mỹ, từ chối bất kỳ thỏa thuận nào hạn chế sản xuất nhựa. Đó là lý do tại sao Mỹ muốn theo đuổi một thỏa thuận tương tự như Paris vì thỏa thuận này không cần phải được Quốc hội phê chuẩn do dựa trên các cam kết tự nguyện.

Tin cùng chuyên mục