Giảm cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường: Cần lộ trình thích hợp

Thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hiện 322 phường, xã, thị trấn (gọi chung là phường) trên địa bàn TPHCM chuẩn bị bước vào đợt cắt giảm gần 2.300 cán bộ không chuyên trách (trung bình giảm 8 người/phường).

 TPHCM phân cấp cho UBND quận, huyện quyết định về số lượng, bố trí chức danh người hoạt động không chuyên trách theo loại đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn. Các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đang đứng trước tình cảnh: dân đông, việc nhiều, cán bộ ít và… chưa biết sẽ cắt giảm ra sao?

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh 
có đông người dân chờ tới lượt (hình chụp sáng 20-7-2020). Ảnh: MAI HOA
Cán bộ ít lại phải giảm

Hiện nay, nhiều quận, huyện ở TPHCM có số dân bằng, thậm chí cao hơn dân số của một tỉnh trong cả nước (có 12 tỉnh có dân số từ 314.000 đến 784.000 người). Thế nhưng, số lượng cán bộ không khác biệt nhiều so với các địa phương. Riêng về đội ngũ cán bộ không chuyên trách, những người hoạt động không chuyên trách cấp phường tại TPHCM cũng phải đảm nhiệm khối lượng công việc không khác biệt so với cán bộ, công chức phường.

Hơn 8 giờ sáng, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có gần trăm người dân đang chờ tới lượt. Ở bên ngoài cửa phòng, 15 chiếc ghế đá cũng kín người ngồi ghi hồ sơ và ngồi chờ. Theo ông Trần Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, hầu như ngày nào phường cũng đông người dân tới làm thủ tục như vậy. Mỗi ngày làm việc thường kéo dài 12 tiếng, kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ cũng phải huy động anh em vào làm việc. “Với từng này người, công việc đã rất áp lực, làm không hết việc. Nếu tiếp tục giảm cán bộ không chuyên trách thì không thể quán xuyến được”, ông Trần Vũ Hữu Duy lo lắng.

Chuyện cắt giảm nhân sự (theo Nghị quyết về quy định chức danh, bố trí số lượng và một số chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường trên địa bàn TPHCM vừa được HĐND TP thông qua, là thực hiện theo Nghị định 34/2019 của Chính phủ) không chỉ mỗi xã Vĩnh Lộc A, mà là lo lắng của toàn huyện và nhiều địa phương khác.

Huyện Bình Chánh hiện có khoảng 706.000 dân, là nơi đông dân thứ 2 ở TPHCM, sẽ phải cắt giảm 192 cán bộ không chuyên trách. Trong đó, xã Vĩnh Lộc A giảm từ 59 còn 14 người; xã Vĩnh Lộc B giảm từ 56 còn 14 người. Việc cắt giảm không chỉ là câu chuyện việc làm với người lao động, mà vấn đề là lấy ai gánh vác công việc mỗi ngày một quá tải? Lãnh đạo huyện Bình Chánh cũng lo lắng hệ quả có thể phát sinh, công việc sẽ đổ dồn lên những cán bộ còn lại, dẫn đến khả năng họ xin nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực.

Trong khi đó, tại quận Bình Tân, nơi đông dân nhất TPHCM với khoảng 785.000 người. Nhiều phường có dân số đông như Bình Hưng Hòa A (hơn 126.000 dân), phường Tân Tạo A (hơn 75.000 dân) cũng phải cắt giảm từ 65 còn 37 người (phường Bình Hưng Hòa A); giảm từ 53 còn 22 người (phường Tân Tạo A). Cho rằng, việc cắt giảm nêu trên là áp lực rất lớn đối với địa phương, bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Tạo A, kiến nghị UBND TP cần xem xét, nên có chỉ đạo các quận, huyện xây dựng phương án sắp xếp bố trí. Đặc biệt là việc giao cho quận, huyện xây dựng lộ trình thực hiện, nếu giảm đột ngột thì rất khó thực hiện cho địa phương.

Xem xét cơ chế đặc thù nơi dân đông

Tại huyện Nhà Bè, hiện có 280 người hoạt động không chuyên trách ở các xã, thị trấn, dự kiến sẽ giảm khoảng 30 người. Lãnh đạo UBND huyện cho biết, sở dĩ giảm ít như vậy là vì từ khi có Nghị định 34, huyện Nhà Bè đã chủ động không tuyển thêm mà cứ giảm dần, rồi khuyến khích kiêm nhiệm. Dù vậy, khi tiếp tục thực hiện cắt giảm theo Nghị định 34 cũng cần thực hiện theo lộ trình phù hợp.

Trong khi đó, ở quận Tân Bình sẽ dôi dư 99 người. Theo Phòng Nội vụ, từ khi có Nghị định 34, quận đã tính toán các phương án sắp xếp. Một số cán bộ còn trẻ được định hướng thi công chức. Một số chức danh do những người nghỉ hưu đang làm thì vận động họ nghỉ. Qua đó, quận đã giải quyết được phần lớn, nhưng vẫn còn hơn 20 người và sẽ tiếp tục cắt giảm. Tại quận Tân Phú, đang có 206 cán bộ không chuyên trách ở 11 phường, sẽ phải giảm 52 người. Phường ít thì giảm 2-3 người, phường nhiều giảm 11 người (phường Tân Quý). Theo bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, nếu cắt giảm thì những người này mất việc. Do đó, quận đang chờ hướng dẫn chung của thành phố về lộ trình thực hiện.

Trong khi đó, một lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh bày tỏ, trước tình hình dân số tại một số xã trên địa bàn huyện tăng nhanh qua từng năm, với số lượng cán bộ công chức theo Nghị định 34 thì một số xã có dân số quá đông không thể thực hiện tốt nhiệm vụ. Cụ thể, năm 2019, xã Vĩnh Lộc A có hơn 125.000 người, xã Vĩnh Lộc B có 122.000 người, xã Bình Hưng hơn 87.000 người, xã Tân Kiên hơn 60.000 người. Tính ra, mỗi cán bộ công chức xã (không tính cán bộ không chuyên trách) ở những xã này phục vụ hơn 5.000 dân, gấp 4,5 lần so với bình quân chung của TP. Từ đó, huyện đề xuất cho phép tăng số lượng cán bộ không chuyên trách theo quy mô dân số tại xã, thị trấn để cùng cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ. Cụ thể, đối với xã có dân số dưới 30.000 người thì thực hiện số lượng cán bộ không chuyên trách theo Nghị định 34. Với các xã có trên 30.000 dân, thì cứ tăng thêm 5.000 dân sẽ bố trí thêm một cán bộ không chuyên trách.

Tại quận 11, ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND quận cho biết, 16 phường trên địa bàn quận sẽ dôi dư tổng số 55 cán bộ không chuyên trách. Hiện nay, quận đang chờ thành phố sửa đổi về quy chế thi tuyển công chức phường. Khi có văn bản thay thế, quận sẽ tổ chức thi tuyển công chức phường và số cán bộ không chuyên trách dôi dư sẽ tham gia thi tuyển. Do đó, quận chưa thấy khó khăn gì trong việc sắp xếp cán bộ không chuyên trách sắp tới.

Tin cùng chuyên mục