Giảm áp lực kiểm tra, đánh giá học sinh

Thời điểm hiện tại, các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TPHCM đang dồn sức chuẩn bị cho việc kiểm tra, đánh giá học sinh giữa học kỳ 1 năm học 2021-2022. Nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá đã được tổ chức, hướng đến mục tiêu giảm áp lực và phát huy tinh thần tự giác của học sinh.   

Linh động hình thức kiểm tra 

Em Nguyễn Ngọc Thảo, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình), cho biết, mỗi môn học em được giáo viên hướng dẫn một hình thức kiểm tra, lấy điểm khác nhau. Trong đó, 2 môn giáo dục thể chất và mỹ thuật yêu cầu học sinh tự thực hiện hoạt động hoặc sản phẩm tại nhà, sau đó quay video, chụp hình sản phẩm gửi cho giáo viên. Đối với các môn Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh, em sẽ thực hiện bài trắc nghiệm kiểm tra kiến thức thông qua đường link giáo viên cung cấp, thời gian kiểm tra rải đều trong nhiều tuần giúp học sinh có nhiều thời gian chuẩn bị, không cảm thấy áp lực khi kiểm tra, đánh giá giữa kỳ. Riêng các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý và Hóa học, giáo viên kết hợp bài kiểm tra giữa kỳ với các bài kiểm tra, sản phẩm học tập đã thực hiện trong các tuần trước đó, giúp kết quả đánh giá toàn diện và chính xác hơn. 

Học sinh lớp 1/1, Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình) hào hứng tham gia một tiết học trực tuyến
Tương tự, tại Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin, học sinh sẽ kiểm tra, đánh giá giữa kỳ bằng hệ thống LMS (một trong các phần mềm quản lý học tập trực tuyến – PV). Trong đó, đề thi các môn tập trung ở 2 mức độ nhận biết và thông hiểu, chưa áp dụng vận dụng thấp và vận dụng cao do một số hạn chế trong giai đoạn dịch bệnh. Lịch kiểm tra các môn học sẽ phân bổ đều trong 3 tuần 9, 10 và 11 theo quy định chương trình của Bộ GD-ĐT. Trước đó, các tổ chuyên môn đã xây dựng đề thi kết hợp cả hai hình thức tự luận và trắc nghiệm. Trường hợp học sinh gặp trục trặc về kỹ thuật trong thời gian làm bài hoặc chưa hài lòng với bài làm ở lần 1, các em sẽ được kiểm tra lại vào một thời điểm khác do giáo viên bộ môn quyết định. “Điểm kiểm tra được tính theo kết quả bài làm cuối cùng nên sẽ giảm áp lực cho học sinh, gián tiếp ngăn chặn nguy cơ gian lận vì học sinh còn nhiều cơ hội cải thiện điểm số”, thầy Khoa nói.


Cũng với mục tiêu giảm áp lực cho học sinh, Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) chủ động sắp xếp lịch kiểm tra giữa kỳ theo nhóm các môn học. Cụ thể, các môn khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) được sắp xếp kiểm tra trong một tuần, sau đó các môn tự nhiên (Toán, Hóa học, Vật lý, Sinh học) kiểm tra sau để làm giảm mật độ, không dồn dập kiểm tra trong cùng thời điểm, gây mệt mỏi cho học sinh. Ngoài ra, thời gian kiểm tra sẽ do giáo viên linh động sắp xếp, có thể kiểm tra cả vào buổi tối để phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của học sinh. Riêng tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), hiện nay các tổ bộ môn đang xây dựng ngân hàng đề thi để chuẩn bị cho việc kiểm tra giữa học kỳ 1 sẽ diễn ra vào đầu tháng 11. Ở một số trường, học sinh được tham gia các buổi thi thử để rà soát thiết bị, đường truyền trước khi thực hiện bài thi chính thức.     
 
Giáo dục tính trung thực và tự giác cho học sinh

Liên quan đến việc đảm bảo tính công bằng cho học sinh khi tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến, thầy Cao Đức Khoa cho biết, các trường đều có quy định cụ thể về thời gian kiểm tra (link kiểm tra chỉ mở khi bắt đầu tính thời gian làm bài và được khóa lại ngay khi kết thúc thời gian làm bài), yêu cầu học sinh bật camera, phân công cán bộ coi thi giám sát qua màn hình trực tuyến… Tuy nhiên, các thầy, cô luôn kêu gọi sự trung thực và ý thức tự giác của mỗi học sinh. Thông qua việc kiểm tra trực tuyến, học sinh sẽ được giáo dục về ý thức và tinh thần trách nhiệm đối với việc học. Bên cạnh đó, theo thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), nếu đề thi thiết kế theo hình thức kiểm tra khả năng học thuộc lòng sẽ tạo điều kiện cho học sinh sử dụng quyền trợ giúp từ người thân hoặc các công cụ tìm kiếm. Ngược lại, nếu đề thi thiết kế theo hướng hiểu và vận dụng kiến thức, đồng thời có giới hạn thời gian phù hợp thì sẽ buộc học sinh tập trung vào việc làm bài hơn là xoay xở tìm quyền trợ giúp. Do đó, thay vì tìm các giải pháp ngăn ngừa gian lận, giáo viên cần đổi mới nội dung và hình thức ra đề, phát huy vai trò của các tổ bộ môn để tìm được công cụ và phương pháp kiểm tra phù hợp. 

Đồng quan điểm, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), bày tỏ, trong quá trình dạy học, giáo viên là người cảm nhận rõ ràng nhất khả năng học tập của học sinh. Nếu dựa vào các yếu tố về công nghệ để đánh giá mức độ trung thực của học sinh sẽ không công bằng với những trường hợp học sinh gặp khó khăn về thiết bị. Vì vậy, trong giai đoạn học tập trực tuyến, việc kiểm tra, đánh giá cần tổ chức nhẹ nhàng theo tinh thần “học gì thi đó”, không gây áp lực cho học sinh.

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, theo quy định hiện nay của Bộ GD-ĐT, học sinh được đánh giá thông qua 2 hình thức là đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Trong đó, đánh giá thường xuyên được dựa trên hồ sơ học tập, kết quả thực hiện các dự án, sản phẩm học tập, tổ chức cho học sinh đánh giá lẫn nhau trong suốt quá trình học tập. Vì vậy, kiểm tra định kỳ chỉ là một trong những cơ sở đánh giá, giáo viên không sử dụng kết quả bài thi định kỳ để đánh giá toàn bộ quá trình học tập của học sinh.

Tin cùng chuyên mục