Giảm áp lực dạy học trực tuyến cho giáo viên

Sau gần 2 tháng dạy học trực tuyến, nhiều giáo viên bày tỏ sự mệt mỏi trước khối lượng công việc tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần ngày thường. Trong bối cảnh dạy học trực tuyến còn kéo dài, làm sao xóa bỏ áp lực cho giáo viên là vấn đề đã và đang đặt ra cho các trường học.
Thầy Nguyễn Hải Triều, giáo viên môn kỹ năng sống, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), trong một tiết dạy trực tuyến
Thầy Nguyễn Hải Triều, giáo viên môn kỹ năng sống, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), trong một tiết dạy trực tuyến

Phân chia công việc hợp lý

Cô T.M., giáo viên Vật lý, một trường THCS ở quận Bình Thạnh (TPHCM) cho biết, hiện nay khối lượng công việc tăng gấp đôi do giáo viên mất nhiều thời gian hơn trong việc chuẩn bị giáo án trực tuyến, tạo link giao nhiệm vụ học tập cho học sinh và gửi phản hồi sau khi các em hoàn thành bài tập. Riêng đối với khối 6, áp lực tăng thêm gấp bội do đây là năm học đầu tiên thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. “Hầu như ngày nào tôi cũng phải họp với tổ bộ môn, cuối tuần họp với ban giám hiệu để thống nhất các nội dung giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm. Máy tính trở nên vật bất ly thân, công việc chiếm trọn hai ngày nghỉ cuối tuần”, giáo viên này cho biết.       

Theo cô Phạm Hữu Nga Anh, giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM), dạy học trực tuyến khiến giáo viên cảm thấy cô đơn trước màn hình máy tính do khả năng tương tác bị hạn chế. Chưa kể, quá trình dạy học thường xuyên bị gián đoạn bởi 1.000 câu hỏi vì sao của học sinh. Áp lực từ việc phải tìm hiểu các phần mềm, ứng dụng lồng ghép trong bài giảng khiến thầy, cô mất nhiều thời gian hơn. Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, cô giáo trẻ cho rằng, giáo viên không nhất thiết áp dụng quá nhiều phần mềm, công cụ vào thiết kế bài giảng, thay vào đó cần tìm công cụ giảng dạy phù hợp. 

Đồng quan điểm, thầy Hà Bảo Tâm, giáo viên Toán, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng, không phải tiết học nào thầy, cô cũng soạn giáo án trình chiếu PowerPoint mà có thể kết hợp với việc cho học sinh tự tìm hiểu kiến thức, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, bổ sung kiến thức cho học sinh. Riêng đối với yêu cầu kiểm tra, đánh giá học sinh, thầy Tâm cho biết, ngoài hai hình thức được nhiều giáo viên sử dụng lâu nay là cho học sinh làm bài kiểm tra giấy và quay clip, thầy, cô có thể giao đề tài nghiên cứu, dự án học tập cho học sinh tự thực hiện theo nhóm hoặc cá nhân. “Học sinh học cùng lúc nhiều môn. Nếu môn học nào giáo viên cũng dạy xong giao bài tập thì người học mệt, người chấm bài cũng đuối. Vậy tại sao không linh hoạt lựa chọn nhiều hình thức để tạo tâm lý thoải mái cho cả thầy lẫn trò?”, thầy Huỳnh Ngọc Trọng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), nêu ý kiến.

Phát huy vai trò tổ chuyên môn

Với cô Lê Thị Mỹ Thuận, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận 3), dạy học trực tuyến vẫn đạt hiệu quả nếu phát huy được sức mạnh của tập thể. Cụ thể, đối với các môn học đòi hỏi nhiều kỹ năng thực hành, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tự thực hiện các thí nghiệm đơn giản tại nhà. Thí nghiệm nào phức tạp, tổ chuyên môn sẽ sử dụng các thí nghiệm ảo, tổ chức quay video clip hoặc tải các đoạn video thực hành có sẵn trên mạng, trình chiếu cho học sinh xem. Qua quá trình tổ chuyên môn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, giáo án dạy sẽ ngày càng hoàn thiện. Thầy Huỳnh Ngọc Trọng cũng bày tỏ, việc tổ chức, sắp xếp lại trình tự các nội dung và hoạt động giảng dạy phụ thuộc vào bản lĩnh của giáo viên. Hiện nay, các trường đều xây dựng giáo án dùng chung trong tổ chuyên môn; trên cơ sở đó giáo viên sẽ thêm, bớt cho phù hợp tình hình dạy học ở mỗi lớp. Đây là giai đoạn cần đẩy mạnh hoạt động chia sẻ đồng nghiệp, một người làm nhưng nhiều người góp ý và sử dụng.

Ngoài ra, theo thầy Phan Thanh An, giáo viên Hóa, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), biện pháp tốt nhất để tiết kiệm thời gian trong suốt quá trình dạy học là chọn lựa công cụ dạy học phù hợp ngay từ đầu năm. Khi làm chủ được công cụ, giáo viên sẽ có nhiều thời gian đầu tư cho các hoạt động khác. Thêm vào đó, một trong những giải pháp giảm áp lực dạy học trực tuyến cho giáo viên hiện nay là tăng cường khả năng tự học của học sinh thông qua việc gửi trước câu hỏi, bảng biểu điền khuyết cho học sinh tự nghiên cứu. Khi thầy và trò cùng làm việc thì sẽ tăng khả năng tương tác, đồng thời giảm áp lực cho giáo viên.

Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TPHCM, cơ sở giáo dục xác định chế độ làm việc của giáo viên dựa trên tình hình thực tế tổ chức dạy học. Theo đó, hiệu trưởng trao đổi với tổ, nhóm chuyên môn xác định số tiết thực dạy và số tiết được quy đổi từ thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác trên hệ thống quản lý học tập. Ngoài ra, nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua Internet, truyền hình dùng chung cho nhiều nhóm, lớp, cấp học, dạy phụ đạo cho học sinh, hiệu trưởng căn cứ điều kiện cụ thể và tính chất công việc để tính toán, quy đổi thành số tiết dạy phù hợp.

Tin cùng chuyên mục