Giảm áp lực chống dịch cho trường học

Sau 1 tuần học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn TPHCM quay lại trường học, số lượng F0 là học sinh có chiều hướng tăng lên. Mặc dù ngành y tế đã có hướng dẫn về quy trình xử lý F0 và F1, nhưng các trường còn lúng túng trong thực hiện. 
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Bùi Minh Trực, quận 8, TPHCM đảm bảo việc đeo khẩu trang trong giờ học. Ảnh: CAO THĂNG
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Bùi Minh Trực, quận 8, TPHCM đảm bảo việc đeo khẩu trang trong giờ học. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều phương án xử lý

Hôm nay (19-2) là ngày thứ 4 chị Nguyễn Thanh Thảo, phụ huynh có con học lớp 3, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), nghỉ làm ở nhà vì lớp con chị có một F0 nên cả lớp chuyển sang dạy học trực tuyến. “Trường tập trung học sinh theo khối nên con đi học hôm 15-2, đến trường được một ngày thì giáo viên chủ nhiệm thông báo lớp có F0 phải quay lại học trực tuyến từ ngày 16-2. Phụ huynh đang chờ thông báo tiếp theo của nhà trường”, chị Thảo cho biết.

Trước đó một ngày, anh Minh Nhật, phụ huynh có con học lớp 3, Trường Tiểu học Bông Sao (quận 8), cũng nhận được thông báo đến trường đón con về nhà theo dõi sức khỏe sau khi lớp con anh có một F0. Mặc dù tất cả học sinh còn lại trong lớp đều được xét nghiệm nhanh và cho kết quả âm tính nhưng để đảm bảo an toàn cho học sinh, cả lớp được yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày để theo dõi sức khỏe. 

Cũng với trường hợp có F0 trong lớp, nhưng cách xử lý của Trường Tiểu học T.H. (quận 3) lại khác. Cụ thể, trường gửi thông báo cho tất cả phụ huynh của  lớp có F0, đề nghị phụ huynh test nhanh Covid-19 cho con và gửi kết quả cho giáo viên chủ nhiệm. Sau khi xác định tất cả học sinh còn lại trong lớp đều có kết quả âm tính, trường tổ chức cho các em đi học bình thường, song đẩy nhanh thời gian kiểm tra cuối học kỳ 1 sớm hơn 3 ngày so với kế hoạch trước đó. Trường hợp phát hiện từ 2 học sinh trở lên là F0 trong cùng một lớp, toàn bộ học sinh trong lớp trở lại học trực tuyến và theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày. Đây cũng là phương án đang được nhiều trường áp dụng.  

Học sinh và giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan, quận 1  trong giờ học. Ảnh: CAO THĂNG

Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cho biết, nhà trường linh động giải quyết phương án học tập cho từng lớp khi phát hiện có học sinh là F0. Cụ thể, khi phát hiện có học sinh là F0, trường điều tra lịch sử tiếp xúc của học sinh là F0 với các bạn còn lại trong lớp để xác định các học sinh là F1. Học sinh là F1 sẽ được yêu cầu cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe và chuyển qua dạy học trực tuyến. Đối với những học sinh còn lại trong lớp (không tiếp xúc gần với F0), nếu phụ huynh có nguyện vọng cho con học trực tuyến tại nhà sẽ được nhà trường tạo điều kiện, hướng dẫn phương pháp tự học tại nhà. Ngược lại, nếu phụ huynh đồng thuận, những học sinh này vẫn đến trường tham gia học tập bình thường như các lớp khác. 

Còn ở các trường ngoài công lập, trước tình hình số ca F0 tăng lên, từ giữa tuần qua, mô hình trộn lớp dạy học tiếng Anh (tổ chức lớp theo trình độ học sinh sau khi kết thúc mỗi năm học) và tổ chức ăn, ngủ bán trú theo nhóm lớp đã được các trường thay thế bằng việc gói gọn tất cả hoạt động theo đơn vị lớp chính khóa nhằm kịp thời khoanh vùng khi phát hiện học sinh nghi mắc.

Đề xuất giải pháp hỗ trợ trường học  

Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, việc xác định học sinh là F0, F1 phải do cơ quan y tế thực hiện. Tuy nhiên, tại một số trường học, khi phát hiện trường hợp học sinh nghi mắc Covid-19, trường liên hệ ngay với trung tâm y tế nhưng nhận được phản hồi là nhân lực đang quá tải, buộc các trường phải chủ động từ việc khử khuẩn đến điều tra dịch tễ học sinh. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 kiến nghị có giải pháp linh động cho phép các trường hợp đồng với phòng khám, cơ sở y tế tư nhân giải quyết tạm thời bài toán thiếu hụt về nhân sự. 

Trường học hiện còn phải đối mặt với bài toán thiếu giáo viên do nhiều thầy cô mắc Covid-19, phải bố trí người dạy thay thế. Hiện nay, khối lượng công việc giáo viên đã tăng từ 2-3 lần so với dạy học bình thường do vừa dạy học trực tiếp trên lớp, vừa dạy trực tuyến cho những học sinh tự học ở nhà, đồng thời bố trí thời gian trống vào cuối tuần để phụ đạo học sinh yếu. Đại diện các trường đều cho biết, nếu nguồn giáo viên dự phòng không đủ thì ban giám hiệu sẽ kiêm nhiệm công tác giảng dạy, trường hợp vẫn thiếu sẽ tính đến phương án gộp chung lớp để đảm bảo quá trình học tập cho học sinh.

Do khó khăn về cơ sở vật chất, nên khi học sinh tất cả khối lớp quay lại trường học, một số quy định như khoảng cách tối thiểu giữa hai học sinh là 1m, phân luồng di chuyển một chiều cho tất cả học sinh, bố trí phòng học dự phòng trong điều kiện tất cả phòng chức năng đã được trưng dụng làm phòng ăn, ngủ bán trú cho học sinh… không thể thực hiện.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP, thông tin, tới đây, Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ phối hợp ban hành quy định mới về quy trình xử lý F0, xác định F1 trong trường học. Để đảm bảo hiệu quả thực hiện, trường học cần chủ động phối hợp với cơ quan y tế và phụ huynh học sinh trong việc phát hiện các biểu hiện bất thường và chăm sóc sức khỏe học sinh.

- Chiều 18-2, UBND TP Hà Nội có văn bản tạm dừng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 12 quận nội thành trở lại trường học từ ngày 21-2 tới. Việc tạm dừng này là do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp với số ca mắc ở cộng đồng tăng rất cao và miền Bắc sắp có đợt không khí lạnh rất mạnh với nền nhiệt rét đậm, rét hại.

- Tại Bình Phước, tổ chức dạy và học trực tiếp tại tất cả cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tại các địa phương có dịch Covid-19 cấp độ 1 và cấp độ 2 từ ngày 21-2. Các khối lớp còn lại tiếp tục dạy và học bình thường theo các hướng dẫn trước đó. 

-Tại Kiên Giang, mặc dù có giáo viên, học sinh mắc Covid-19 nhưng đều được phát hiện sớm, thực hiện cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, do đó tình hình dịch Covid-19 trong trường học ở Kiên Giang vẫn được kiểm soát. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương xây dựng phương án và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong nhà trường.

- Tại An Giang, Thường trực Tỉnh ủy vừa đồng ý cho phép triển khai dạy học trực tiếp đối với học sinh trong độ tuổi chưa được tiêm ngừa (từ lớp 1 tới lớp 6) bắt đầu từ ngày 21-2 tới. Việc dạy học trực tiếp phải được triển khai trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh, đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch khác. 

- Tại Đồng Tháp, trong tuần đầu tiên học sinh đến trường học trực tiếp sau kỳ nghỉ tết, ngành giáo dục phối hợp với gia đình, xã hội đảm bảo an toàn cho học sinh, tỷ lệ đến trường ngày càng tăng. Đồng thời lưu ý các đơn vị những nội dung quan trọng, như duy trì tốt phòng dịch, đảm bảo 5K trong nhà trường… Ngành giáo dục cũng yêu cầu việc kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tiếp tại các trường cần tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Tiếp tục duy trì, ổn định sỉ số lớp, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ để vận động các học sinh vắng học trở lại trường. 

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục