Giải trí Việt: Sôi động, đáng mong đợi

Sau thời gian dài khá chìm lắng vì dịch bệnh, từ đầu năm 2022, nền giải trí Việt sôi động hơn với hàng loạt dự án phim điện ảnh, liveshow âm nhạc, dự án, sản phẩm được ra mắt. Tất cả cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ, chuyển biến tích cực của thị trường giải trí. 
Phim "Lối về miền hoa" mang đến câu chuyện giản dị về giới trẻ và đời sống ở nông thôn
Phim "Lối về miền hoa" mang đến câu chuyện giản dị về giới trẻ và đời sống ở nông thôn

Âm nhạc định hình

Thị trường âm nhạc hiện nay đang được định hình lại khá rõ ràng. Sau thời gian ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, khi thị trường âm nhạc hồi sinh, ngoài những sản phẩm MV đơn lẻ, sự nở rộ các show âm nhạc lớn, dự án âm nhạc dài hơi là điểm đáng chú ý. 

Liên tục các chương trình âm nhạc chất lượng được ra mắt khán giả với nhiều quy mô khác nhau. Có thể kể đến các dự án âm nhạc như The Show Viet Nam, The Cover Show - Sắc màu thời gian, The Cover Arean, In The Moonlight, Phòng trà Online…  Khác với những liveshow thông thường, The Show Viet Nam bên cạnh những đêm nhạc của các ca sĩ đẳng cấp còn góp phần làm phong phú và đa dạng trải nghiệm âm nhạc của khán giả với việc giới thiệu nhạc sĩ làm trung tâm đêm diễn. 

Chuỗi chương trình âm nhạc In The Moonlight do The Bros, GEM Center hiện nay đang được tổ chức hàng tuần cũng là sân chơi âm nhạc mới, khá sang trọng, được đầu tư âm thanh, ánh sáng khá tốt. Trong khi đó, chuỗi các đêm nhạc trực tuyến Phòng trà Online năm 2022 do Top Liveshow tổ chức tiếp tục hành trình với những dự án âm nhạc trình diễn ở các tỉnh thành khác nhau, kết hợp không gian thực cảnh, khán giả trực tiếp với không gian ảo, nền tảng online. Phòng trà Online vol.05 tháng 1 vừa qua mang khán giả đến Đà Lạt. Với Phòng trà Online vol.06, dự kiến là sân khấu mở hoàn toàn giữa núi rừng Thung Nham, Ninh Bình. 

Các liveshow, minishow, live concert… cũng rục rịch trở lại. Gần nhất là liveshow Tình của Đàm Vĩnh Hưng - Tuấn Hưng, mini show Cứ hiền xinh như thế của Quốc Bảo, live concert Hoa của nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường… vào tháng 3 tới đây. Trong bối cảnh hiện tại, đây có thể xem là những chương trình nghệ thuật bán vé lớn đánh dấu sự trở lại của hoạt động nghệ thuật, giải trí. 

Với lĩnh vực âm nhạc, show trực tuyến hay trực tiếp đều có hướng phát triển mới, tích cực tiếp cận khán giả. Nếu như trước đây những đêm nhạc trực tuyến đều phát sóng miễn phí, thì hiện tại, ca sĩ trong nước đã “nâng cấp” khi làm show trực tuyến có bán vé, thu hút khán giả đón xem. Dẫn đầu xu hướng này hiện là ca sĩ Mỹ Tâm với dự án My Soul 1981

Trong khi đó, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng lại cho rằng dịch bệnh còn đang phức tạp, số ca mắc Covid-19 tăng và ảnh hưởng hậu đợt dịch thứ 4 còn nhiều nên mọi việc vẫn đang phía trước. “Riêng với âm nhạc trực tuyến hay trả tiền còn nhiều mong manh, bởi các nghệ sĩ làm chủ yếu để giữ tên, để khán giả không quên thôi”, anh nói. 

Những sự dịch chuyển

Phim truyền hình và các gameshow giải trí chất lượng sẽ vẫn là lựa chọn hàng đầu của khán giả. Xu hướng này dù có những sự dịch chuyển trong khoảng thời gian nhất định nhưng hầu như không quá nhiều biến động. Sự khác biệt lớn nhất là tính phân hóa vùng miền, dựa trên nhu cầu, sở thích, thói quen đã được định hình khá lâu.   

Theo nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường, nền giải trí hiện tại đang trong thời gian phục hồi và sẽ có những bước phát triển nhảy vọt. “Theo xu hướng âm nhạc sắp tới, nghệ sĩ nước ta sẽ tiếp tục cập nhật các xu hướng trên thế giới và sáng tạo thành cái riêng của mình. Các sự kiện trực tuyến sẽ là mô hình được khán giả lựa chọn vì tính an toàn nhưng vẫn đảm bảo thẩm mỹ âm nhạc”, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường nhận định.

Ở mảng phim truyền hình, khi khán giả có nhiều lựa chọn và nhiều bộ phim đổ bộ vào giờ vàng trên khắp các kênh tất yếu chỉ những tác phẩm chất lượng, chỉn chu, bài bản mới có khả năng thu hút khán giả. Các phim trên sóng VTV1, VTV3, THVL1 vẫn chiếm ưu thế lớn. Có thể kể đến một số bộ phim tiêu biểu từ tháng 12-2021 đến tháng 2-2022 như Thương ngày nắng về, Mặt nạ gương, Nghiệp sinh tử, Lưới trời, Anh có phải đàn ông không, Phố trong làng... 

Ở góc độ khán giả, theo chị Hương Nhu (ngụ quận 4, TPHCM) : “Ưu tiên số 1 của tôi là phim truyền hình vì các bộ phim hiện nay được làm khá chỉn chu, chất lượng. Với mảng gameshow tôi chỉ chọn chương trình có yếu tố giải trí kèm vận động hay chương trình cung cấp kiến thức như Ai là triệu phú, Vua tiếng Việt hay mới nhất có gameshow mới lạ Thử thách trốn thoát”. 

Trong khi đó, ở góc độ nhà sản xuất, Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành Vinh, Giám đốc Truyền thông Khang (Kmedia), cho rằng: “Hầu hết các chương trình sẽ phải thu hẹp quy mô, hướng tới sự đơn giản, đầu tư ít hơn. Một số đơn vị sản xuất uy tín vẫn giữ lại số ít chương trình lớn, đầu tư hoành tráng nhưng không còn nhiều. Muốn duy trì các chương trình này phải đảm bảo có nguồn đầu tư, tài trợ”. Về mặt nội dung, ông Vinh cũng cho rằng, khán giả hiện nay sẽ không còn thích những chương trình nặng về triết lý. Do đó, mô hình các talkshow (trò chuyện), chia sẻ với thời lượng 15-30 phút về những vấn đề quen thuộc, gần gũi vừa có tính giải trí vừa cung cấp kiến thức như sức khỏe, làm đẹp… sẽ được ưa chuộng. Đặc biệt, nhiều đơn vị sẽ dịch chuyển theo hướng sản xuất để phát sóng song song giữa truyền hình truyền thống và nền tảng trực tuyến. Điều này vừa góp phần tối ưu hóa doanh thu vừa khai thác triệt để nhiều câu chuyện hậu trường mà sóng truyền hình không đủ thời lượng.    

Tuy nhiên, có một sự dịch chuyển đáng chú ý trong nhu cầu và thói quen thưởng thức các chương trình trên sóng truyền hình. Theo Kantar Media Việt Nam - đơn vị tiên phong thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện về đo lường, đánh giá và lựa chọn phương tiện truyền thông, ngoài các chương trình giải trí, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp và nạn tin giả tràn lan, nhiều người dân đã chọn xem chương trình tin tức - thời sự trên truyền hình như một nguồn thông tin chính thống và đáng tin cậy. Đó là lý do nhiều chương trình Thời sự (19 giờ hàng ngày trên VTV), Chuyển động 24h, 60 giây và nhiều chương trình khác có vai trò rất lớn trong việc cung cấp thông tin đến khán giả cả nước.

Tin cùng chuyên mục