Giải tỏa nguồn vốn vay ưu đãi, giúp người nghèo tránh bẫy tín dụng đen

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM đề nghị Bình Chánh rà soát đối tượng cho vay vốn, tăng cường cho vay với nhóm hộ mới thoát chuẩn hộ cận nghèo, tránh trường hợp các hộ có nhu cầu, đủ điều kiện mà không tiếp cận được, phải đi vay tín dụng đen.


Sáng 31-5, đoàn giám sát của HĐND TPHCM do Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng làm trưởng đoàn, đã có buổi giám sát tại huyện Bình Chánh về tình hình thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của TPHCM giai đoạn 2021-2025.

Giúp các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi

Báo cáo trước đoàn, Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Bình Chánh Nguyễn Thị Liêm cho biết, đầu năm 2021, huyện có 1.871 hộ nghèo, chiếm 0,9% và 1.198 hộ cận nghèo, chiếm 0,58% dân số. Tính đến hết tháng 4-2022, toàn huyện có 1.891 hộ nghèo, chiếm 0,91% và 1.199 hộ cận nghèo, chiếm 0,58% dân số toàn huyện.

Giải tỏa nguồn vốn vay ưu đãi, giúp người nghèo tránh bẫy tín dụng đen ảnh 1 ĐB Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: MAI HOA

Trong các chỉ số thiếu hụt của 5 chiều nghèo xã hội thì chỉ số thiếu hụt về nhà ở (diện tích nhà ở dưới 10m2, cơ sở pháp lý chưa đảm bảo) khó thực hiện hơn so với các các chỉ số thiếu hụt khác. Huyện Bình Chánh cho biết vẫn còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo không có phương án làm ăn, mất sức lao động… dẫn đến không vay được vốn từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo. Vốn hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn tồn nhiều.

Tại buổi giám sát, các đại biểu (ĐB) đánh giá cao huyện Bình Chánh khi thực hiện tốt việc vận động người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tính đến tháng 4-2022, Bình Chánh đã vận động được 78 người tham gia, đạt 116,42% kế hoạch. Trong đó 18 người thuộc diện hộ nghèo, 60 người cận nghèo. Quý 1-2022, duy trì vận động 31 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (17 người thuộc diện cận nghèo, 14 người cận nghèo).

Tuy nhiên, các ĐB cũng đặt vấn đề về các số liệu thống kê số hộ nghèo, cận nghèo của huyện. ĐB Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đề nghị huyện Bình Chánh phân tích rõ, số hộ nghèo, cận nghèo diện thường trú bao nhiêu %, tạm trú bao nhiêu %.

Cụ thể hơn, ĐB Tăng Hữu Phong cho rằng địa bàn huyện Bình Chánh có số dân nhập cư rất đông. Từ thống kê tách biệt diện thường trú, tạm trú sẽ có giải pháp, bước đi cụ thể, hiệu quả hơn cho từng nhóm. Đơn cử, những người tạm trú từ 6 tháng trở lên có nhu cầu vay vốn để làm ăn buôn bán nhỏ, khi được giải quyết tốt sẽ cải thiện được đời sống của các gia đình này.

Cũng theo ĐB, trong các chiều thiếu hụt thì tiêu chí về nhà ở là khó thực hiện nhất, nhưng huyện Bình Chánh chưa nêu rõ giải pháp thực hiện trong thời gian tới. ĐB đặt vấn đề, là một huyện ngoại thành với quỹ đất còn nhiều, Bình Chánh có thể tranh thủ tận dụng, đăng ký các chương trình về nhà ở của TPHCM để tạo thêm cơ hội cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nhà ở tốt hơn.
Giải tỏa nguồn vốn vay ưu đãi, giúp người nghèo tránh bẫy tín dụng đen ảnh 2 ĐB Tăng Hữu Phong đặt vấn đề, là một huyện ngoại thành với quỹ đất còn nhiều, Bình Chánh có thể tranh thủ tận dụng, đăng ký các chương trình về nhà ở của TPHCM để tạo thêm cơ hội cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nhà ở tốt hơn

Một số ĐB cũng quan tâm đến vấn đề cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn. Trong khi nhu cầu vay rất lớn, thì ở nhiều địa phương lại để tình trạng tồn đọng nguồn vốn, “có tiền mà tiêu không được”.

ĐB Nguyễn Thị Việt Tú đặt câu hỏi về công tác tuyên truyền để người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Từ đó tránh được việc sa chân vào bẫy tín dụng đen, cho vay nặng lãi đang tỏa chân rết khắp nơi như hiện nay.

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM cũng đề nghị Bình Chánh rà soát đối tượng cho vay vốn, tăng cường cho vay với nhóm hộ mới thoát chuẩn hộ cận nghèo, tránh trường hợp các hộ có nhu cầu, đủ điều kiện mà không tiếp cận được, phải đi vay tín dụng đen.

Gỡ khó để tạo “cần câu”

Trả lời các ý kiến, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bình Chánh Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết, thời gian qua Bình Chánh đã làm tốt công tác cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Năm 2021, do TPHCM chưa phân bổ vốn về cho các địa phương, cộng với điều kiện dịch Covid-19 nên số vốn cho vay chưa nhiều. Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, huyện đã giải quyết cho 464 hộ vay hơn 21,5 tỷ đồng. Dự kiến, tháng 9-2022 huyện sẽ hoàn thành chỉ tiêu cho vay vốn.

“Chúng tôi mong đoàn giám sát có ý kiến để TPHCM sớm bố trí nguồn vốn cho các địa phương, vì nhu cầu vay vốn của các hộ là rất lớn. Hiện Bình Chánh có hơn 6.300 hộ trong diện được vay nguồn vốn ưu đãi này”, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung nói.

Giải tỏa nguồn vốn vay ưu đãi, giúp người nghèo tránh bẫy tín dụng đen ảnh 3 Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh Nguyễn Thị Kim Dung nêu nhiều kiến nghị trước đoàn giám sát. Ảnh: MAI HOA

Làm rõ hơn về phương châm “trao cần câu không trao con cá”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, huyện chủ trương không phải hỗ trợ bao nhiêu mà là hộ đó cần gì để hỗ trợ.

Để tạo “cần câu” cho các hộ khó khăn, bà Nguyễn Thị Kim Dung đề xuất TPHCM cần tháo gỡ cho huyện về công tác quy hoạch sử dụng đất, cho phép thí điểm xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp khác. Đây là điều kiện quan trọng để phát huy nguồn lực đất đai, mang đến thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Bình Chánh cũng kiến nghị đoàn giám sát góp tiếng nói để TPHCM ưu tiên nguồn vốn xây dựng cầu Kênh Xáng Ngang ở xã Bình Lợi. Đây là tuyến đường quan trọng để người dân các xã Bình Lợi, Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai trao đổi, lưu thông hàng hóa phát triển kinh tế.

Kết luận buổi làm việc, ĐB Nguyễn Văn Dũng đề nghị Bình Chánh quan tâm đến các hộ tạm trú, các hộ vừa thoát chuẩn hộ cận nghèo. Từ nay đến 2025 Bình Chánh cần thêm hơn 3.500 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo bền vững. ĐB cho rằng huyện cần phân tích cụ thể nguồn vốn cần cho từng chiều nghèo để có phương án cân đối, bố trí hợp lý.

Huyện Bình Chánh đặt mục tiêu đến giữa nhiệm kỳ sẽ có 50% xã, thị trấn không còn hộ nghèo (trừ đối tượng bảo trợ xã hội) theo chuẩn nghèo của TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A Dương Thị Thùy Trang cho biết xã phấn đấu đến năm 2023 trên địa bàn xã không còn hộ nghèo. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt Võ Thị Mỹ Thảnh cho biết xã hiện có 100 hộ nghèo, 63 hộ cận nghèo. Từ năm 2020 đến nay, xã có mô hình bò giống, trao phương tiện sinh kế, lập 5 tổ may gia công trên 40 thành viên. Các tổ may này tạo thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Từ 2016 đến nay, xã hỗ trợ được hơn 300 phương tiện sinh kế như xe nước mía, trà sữa, bánh mì, máy may, bò giống... Từ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục