Giải tỏa lo lắng của cử tri về tham nhũng

Trước thềm kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, cử tri tỉnh Hải Dương gửi đến Bộ Tư pháp đề nghị tăng chế tài xử phạt cao nhất lên đến tử hình với tội phạm về tham nhũng kinh tế, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. 
Buổi tiếp xúc cử tri với tổ đại biểu Quốc hội TPHCM đơn vị 4
Buổi tiếp xúc cử tri với tổ đại biểu Quốc hội TPHCM đơn vị 4

Cử tri Đà Nẵng thì cho rằng quy định “không thi hành án với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” là chưa hợp lý và sẽ tạo “lỗ hổng” trong công tác phòng chống tham nhũng, khiến hành vi tham nhũng sẽ tinh vi hơn, nhiều thủ đoạn hơn và mức tham nhũng sẽ cao hơn.

Cùng bày tỏ trăn trở về nâng cao các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, cử tri tỉnh Vĩnh Long và TPHCM gửi đến Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng; quy định khung hình phạt cho các hành vi tham nhũng ở mức độ nặng hơn và đặc biệt là hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng. Đặc biệt, cần quan tâm đến tình trạng thu nhập của cán bộ không tương xứng với tài sản hiện có của họ. Cử tri TPHCM và Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức; ngăn chặn ngay khi phát hiện có tài sản không minh bạch, không để những cán bộ vi phạm phân tán tài sản bất chính cho người nhà...

Thực tế, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có 2 điều về tội tham ô tài sản (điều 353) và tội nhận hối lộ (điều 354); đều quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình đối với trường hợp tham ô, nhận hối lộ với giá trị tài sản 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên. Đối với trường hợp không thi hành án tử hình, Bộ trưởng Lê Thành Long hồi đáp: quy định trên để thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình đã được khẳng định tại Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; đồng thời thực hiện chủ trương thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có. Ông Lê Thành Long cũng nói rõ, trường hợp thiếu điều kiện thứ 2 (hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn), người bị kết án dù đã nộp đủ 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ vẫn phải thi hành án.

Tuy đã có câu trả lời khá thuyết phục cho một số kiến nghị của cử tri, nhưng đúng là kết quả thu hồi tài sản bị tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế lớn. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để cải thiện tình hình, bao gồm cả phòng và chống, như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng. Tăng cường phối hợp, tích cực chủ động hơn nữa trong việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ phục vụ cho việc tổ chức thi hành án; tiếp tục quan tâm kiện toàn; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự...

Nhưng rất đáng lưu ý và rất cần xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa, là một giải pháp thuộc loại “từ sớm, từ xa”: đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán. Bên cạnh đó, việc triển khai Quyết định số 390/QĐ-TTg/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” trên phạm vi cả nước sẽ tạo ra cơ sở dữ liệu quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nói chung và việc thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng.

Tin cùng chuyên mục