Giải tỏa cơn khát bóng đá đỉnh cao

Hình ảnh hàng ngàn người hâm mộ bóng đá TPHCM xếp hàng nghiêm chỉnh chờ mua vé xem các trận đấu của HA.GL tại AFC Champions League ở sân Thống Nhất tiếp tục chứng tỏ rằng khát vọng được thưởng lãm các trận đấu đỉnh cao là rất lớn. 

Thông tin từ ban tổ chức cho biết, chỉ 11.000 vé được bán ra cho các trận đấu có HA.GL thi đấu dù nhu cầu cao hơn. Nguyên nhân đến từ sức chứa của sân Thống Nhất hiện chỉ còn khoảng 14.000-15.000 chỗ ngồi.

Đây không phải là lần đầu các trận đấu của HA.GL thu hút lượng khán giả đột biến đến sân Thống Nhất. Từ năm 2014 đến nay, sân Thống Nhất hàng chục lần trong tình trạng “cháy vé”. Sức hút của HA.GL là một chuyện,  nhưng quan trọng là nhu cầu, hay đúng hơn là mối quan tâm của khán giả TPHCM luôn có sẵn. Đặc thù của một đô thị trung tâm như TPHCM là sự đa dạng về dân cư - và về lý thuyết, đây là điều kiện rất thuận lợi việc phát triển bóng đá.

Một CLB như HA.GL có thể đưa đến sân Thống Nhất hơn 10.000  người xem họ đá, thì các đội như SLNA, Thanh Hóa, Đà Nẵng… cũng có thể làm điều tương tự dù số lượng cổ động viên có thể ít hơn. Như vậy, trong một điều kiện thuận lợi, nếu các đội bóng của TPHCM đang đá V-League có lượng cổ động viên 5.000-10.000 người xem mỗi trận, sân Thống Nhất sẽ luôn được lấp kín.

Đó là những con số hoàn toàn khả thi nếu có cách làm đúng và các CLB thi đấu thành công. Thậm chí, so với dân số hơn 10 triệu người của thành phố, thì phải nói là quá ít, bởi trong quá khứ, lượng khán giả còn đông gấp đôi. Nhưng cũng từ đây, mới thấy sân Thống Nhất đang là một điểm nghẽn trong chiến lược phát triển của bóng đá TPHCM.

Hạ tầng cho thể thao nói chung và bóng đá nói riêng không phải chuyện “con gà - quả trứng”. Không thể cho rằng, đợi đến khi nhu cầu xem bóng đá tăng thì mới cần một sân bóng có sức chứa lớn. Một công trình như sân vận động trung tâm luôn có vai trò biểu tượng đối với một đại đô thị và sân Thống Nhất hiện nay, đơn giản là không xứng tầm cả về sức chứa, giá trị kiến trúc và không gian đô thị.

Quy mô của sân Thống Nhất không cho phép mở rộng, nâng cấp do đã xuống cấp và thu hẹp diện tích theo thời gian. Điều này khiến cho các hoạt động gia tăng giá trị, tạo nguồn thu như kinh doanh dịch vụ xung quanh trận đấu, tổ chức sự kiện giải trí… đều không thể thực hiện.

Nói cách khác, ngoài những lợi thế về dịch vụ hay sân bay quốc tế của TPHCM, chất lượng khai thác của sân Thống Nhất hiện chỉ ở cấp thành phố, không đủ sự hấp dẫn để thuyết phục những tổ chức châu lục và thế giới trao quyền đăng cai các sự kiện lớn.  

Một trong những nguyên nhân quan trọng đến từ sự chậm trễ hơn 20 năm của dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, nơi dự kiến có sân vận động sức chứa đến 60.000 chỗ ngồi. Điều đó cho thấy lãnh đạo ngành thể thao TPHCM nên có một chiến lược và quyết tâm khác dành cho sân bóng đá trung tâm.

Để xây dựng một sân bóng hiện đại, cũng cần tối thiểu 3 năm với hạ tầng hoàn thiện có sẵn. Hiện TPHCM chỉ có sân Thống Nhất và phần nào đó là sân Quân khu 7 đủ điều kiện tổ chức các trận đấu quốc tế, nhưng không thể biết trước 3-5 năm nữa, chất lượng có còn nguyên vẹn không trong khi nhu cầu về một công trình bóng đá xứng tầm vóc thành phố đã ở ngay trước mắt.

Trường đua Phú Thọ và sân Thống Nhất rồi cũng sẽ đến lúc hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. Bóng đá và thể thao TPHCM vẫn đang phát triển. Việc thiếu những công trình lớn, không gian rộng, cũng là một lực cản trong việc thử nghiệm, khai thác các hoạt động kinh doanh thường thấy của thể thao, bóng đá chuyên nghiệp. Muốn tạo ra điều mới mẻ cũng bị … “trói tay”!

Vì vậy, thể thao TPHCM rất cần một quyết sách mạnh mẽ, thực tế dựa trên một chiến lược hoàn chỉnh về con người đến kinh doanh để sớm có được một cơ ngơi xứng tầm, tiếp nối các giá trị lịch sử rất hào hùng của sân Thống Nhất.

Tin cùng chuyên mục