Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2: Phát huy mọi tiềm năng

TPHCM là nơi khởi nguồn của nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Từ cái nôi ấy, nhiều công trình được ươm mầm và ứng dụng vào thực tế, giải quyết những vấn đề bức bách trong các lĩnh vực cải cách hành chính, giáo dục... hay bức xúc của người dân trong vấn đề ùn tắc giao thông, y tế, sức khỏe. 

Tạo môi trường phục vụ người dân tốt hơn

Khuya một ngày cuối tuần tháng 11, bà Phạm Minh Vân (ngụ quận 6, TPHCM) chuẩn bị một số giấy tờ tùy thân rồi ghé hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7 đặt tại UBND quận 6 để nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép xây dựng. Bà Vân cho biết, bà định sáng hôm sau mới đi làm thủ tục nhưng tối đó phải về quê gấp, nên trên đường đi, bà ghé hệ thống lấy mẫu, điền thông tin, nộp hồ sơ.

“Tôi chỉ mất khoảng 30 phút vừa điền thông tin, vừa nộp. Tầm 10 ngày sau, tôi từ quê lên, ghé nhận kết quả là kịp gửi nhà thầu làm thủ tục xây sửa nhà. Nhờ có hệ thống này, đêm khuya hay sáng sớm gì người dân cũng tranh thủ nộp hồ sơ được”, bà Vân nhận xét. 

Hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7 của UBND quận 6 được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 3-2021. Hệ thống gồm màn hình đăng ký dịch vụ, cùng các khe cung cấp mẫu đơn, nộp, trả hồ sơ, nộp lệ phí. Người dân thao tác theo hướng dẫn. Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chánh Văn phòng UBND quận 6, qua 10 tháng sử dụng, hệ thống tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ. Việc vận hành hệ thống tạo thêm một kênh giải quyết thủ tục hành chính để người dân lựa chọn.

“Hệ thống giúp quận giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, hiệu quả trong thời gian giãn cách; đồng thời nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, ngăn ngừa hành vi nhũng nhiễu phiền hà người dân, tổ chức”, ông Nguyễn Ngọc Thành khẳng định. 

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2: Phát huy mọi tiềm năng ảnh 1 Người dân nộp hồ sơ tại hệ thống tiếp nhận và trả kết quả 24/7 của UBND quận 6

Thời điểm TPHCM thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế đã tiếp nhận thông tin phản ánh một số cơ sở thẩm mỹ vẫn hoạt động. Từ phản ánh đó, Thanh tra Sở Y tế vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Theo Sở Y tế, đầu tháng 5-2020, sở đưa vào vận hành ứng dụng “Y tế trực tuyến”, có tích hợp trên điện thoại thông minh, giúp người dân dễ dàng sử dụng. Ứng dụng cho phép người gửi đính kèm các hình ảnh, clip về các hành vi vi phạm pháp luật. Qua ứng dụng, Sở Y tế tiếp nhận nhiều phản ánh về quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ, nha khoa; các phòng khám vẫn hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng chống dịch.

Cùng với đó là thông tin các nhà thuốc, cửa hàng thực phẩm chức năng không phép; giá dịch vụ khám chữa bệnh tại một số nơi cao hơn quy định; chứng chỉ hành nghề của bác sĩ, giao tiếp ứng xử của nhân viên bệnh viện...

Theo Sở Y tế, ứng dụng góp phần tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực y tế, đảm bảo các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý nhanh chóng, kịp thời, đồng thời phản hồi kết quả xử lý ngay đến người phản ánh.

Điều này đã huy động sự tham gia của người dân cùng phát hiện các vi phạm trong hành nghề khám, chữa bệnh và cung ứng dịch vụ y tế, cũng như đa dạng hóa các kênh tiếp nhận thông tin của Sở Y tế khi người dân muốn phản ánh. Ngoài ra, ứng dụng góp phần huy động sự phối hợp nhanh chóng, nhịp nhàng và hiệu quả giữa các bộ phận liên quan trong việc xác minh, xử lý phản ánh của người dân.

Đổi mới sân chơi dạy và học

Lấy ý tưởng từ hoạt động “Chợ phiên cuối tuần”, Biên tập viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM Vũ Thị Kim Ngân xây dựng chương trình “Chợ phiên startup - Khởi nghiệp thông minh”. Đây là chương trình phát thanh quy tụ các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và các chuyên gia trong lĩnh vực tham gia.

“Mỗi số phát sóng, chúng tôi có chủ đề riêng biệt. Từ cung cấp kiến thức tổng quan đến chuyên sâu về một nội dung trọng tâm để các chuyên gia đưa ra nhận định, chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc của thính giả hay các nhóm startup”, Kim Ngân cho biết.

TPHCM đang xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng và các nguồn lực xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để chương trình khi ra đời nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng khởi nghiệp.

Trong khi đó, truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung thời gian qua còn ít và chưa thực sự hiệu quả so với thực tiễn phát triển sinh động của startup. Mong muốn tạo một sân chơi, đồng thời giúp các startup có nơi quảng bá thương hiệu, chương trình đã tạo sự lan tỏa, kết nối các startup để cùng cộng đồng chung sức xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo Kim Ngân, gần 3 năm ra đời, chương trình thực hiện được 36 số phát sóng, từng bước phát huy vai trò của truyền thông, tạo mạng lưới kết nối các startup với hệ thống chuyên gia, nhà đầu tư... cũng như các startup với nhau.

“Điều may mắn của chương trình chính là nhận được sự ủng hộ của các startup, các chuyên gia. Họ sẵn sàng đến với “Chợ phiên startup - Khởi nghiệp thông minh” để sẻ chia kinh nghiệm và tiếp tục mở rộng vòng tròn kết nối cộng đồng startup. Từ chương trình, nhiều startup đã liên kết và thêm nguồn lực phát triển”, Kim Ngân bày tỏ.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng loạt trường học phải triển khai dạy học trực tuyến, sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ giáo dục tăng cao. Đây cũng là cơ hội để Cohota - tên gọi tắt của Cổng Học Tập - phát huy thế mạnh. Nhờ được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2019 tại nhiều quốc gia, ứng dụng Cohota đáp ứng nhanh chóng nhu cầu dạy trực tuyến mà các trường học tại Việt Nam đang cần. Cohota giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy truyền thống, tự do thể hiện phương pháp giảng dạy (theo nhóm, dự án…) với đa dạng nguồn tài liệu, còn người học chủ động hơn trong tiếp nhận kiến thức.

Đại diện Công ty CP Cohota cho biết, ứng dụng có 4 thành phần quan trọng. Đó là hệ thống quản lý học tập, trung tâm lưu trữ dữ liệu (gồm hành vi của người dạy và người học), giao diện linh hoạt và ứng dụng tiện ích mở rộng. 

Ngoài phương pháp giáo dục hiện đại, ứng dụng Cohota còn đa dạng nguồn tài liệu, tích hợp các công cụ theo dõi việc dạy và học để tạo cảm hứng cho giáo viên, học viên. Với khả năng đáp ứng đồng thời 1.700 người học và có thể mở rộng, ứng dụng đang cung cấp tài khoản cho hơn 1.500 giáo viên, tổ chức tại Việt Nam.

Theo Công ty CP Cohota, giải pháp đang được sử dụng ở nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm đào tạo như Trường Cao đẳng An ninh mạng iSpace, Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Sư phạm Đà Nẵng… Nhờ sự hỗ trợ của Cohota, các trung tâm đã tìm được mô hình mới, thay đổi phương pháp giảng dạy trực tuyến, tạo môi trường cho học viên tương tác, tự tin thuyết trình, nghiên cứu học tập qua các công cụ trực tuyến.

TPHCM có hơn 10 triệu dân, với khoảng 9 triệu phương tiện giao thông. Điều này dẫn đến mật độ giao thông rất cao, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, dẫn đến đường sá ở thành phố thường xuyên ùn tắc.

Theo thống kê năm 2018, kẹt xe gây thiệt hại cho kinh tế 2,4 tỷ đồng mỗi giờ và thiệt hại 21.000 tỷ đồng mỗi năm. Do vậy, giảm ùn tắc giao thông là vấn đề cấp bách.

Một trong những giải pháp tích cực được thành phố đưa vào áp dụng là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào quản lý giao thông, với sự hỗ trợ của các camera giám sát. Đến tháng 6-2019, thành phố có hơn 1.000 camera giám sát để tiếp nhận và xử lý sự cố liên quan đến hạ tầng giao thông. Dù vậy, hệ thống trên vẫn còn nhiều hạn chế do độ bao phủ của hệ thống camera còn thấp, chi phí đầu tư và bảo trì lớn.

Trăn trở trước thực tế này, nhóm tác giả Khoa Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông dựa vào dữ liệu cộng đồng và phân tích dữ liệu lớn.

Qua đó, nhóm đề xuất các giải pháp hợp lý, vận dụng sức mạnh của công nghệ 4.0, sức mạnh của cộng đồng để giải quyết các vấn đề cốt lõi, mới và chưa được giải quyết tốt bởi các giải pháp hiện có. Từ phần mềm trên điện thoại di động, người sử dụng sẽ được cảnh báo tình trạng giao thông, cách hỗ trợ tìm đường tối ưu. Ứng dụng đang được triển khai rộng rãi đến người dân tại thành phố và hoàn toàn miễn phí.

Tin cùng chuyên mục