Giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM” lần thứ 1 năm 2019: Người cán bộ mặt trận tâm huyết

Ông Đỗ Trường Linh (72 tuổi, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 5) đã nghỉ hưu 11 năm nay, nhưng khi nhắc về ông, những người cùng thời vẫn ấn tượng về người cán bộ mặt trận tâm huyết, giàu sáng kiến. 

Hơn 20 năm gắn bó với công tác mặt trận ở quận 5, ông Đỗ Trường Linh và những người đồng sự đã đưa các phong trào ở quận 5 thành một trong những lá cờ đầu nhiều năm liền của TPHCM. 

Sáng kiến khơi dậy phong trào

Trong các sáng kiến của ông Linh thời còn tại nhiệm, có một sáng kiến được duy trì tới nay, ngày càng có uy tín trong cộng đồng dân cư, được các thời kỳ lãnh đạo tiếp nối thực hiện. Đó là giải thưởng Đại đoàn kết ở quận 5. Khi đó, cả nước đang thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Ông Linh nghĩ một cuộc vận động ý nghĩa như thế này, nếu không nghĩ ra cách làm mới mà chỉ tuyên truyền thôi thì dễ đi vào hình thức, không ai muốn tham gia.

“Phải làm gì đó để khơi dậy phong trào trong khu dân cư”, ý nghĩ cứ thôi thúc người cán bộ mặt trận và giải thưởng Đại đoàn kết ra đời. Giải thưởng sẽ trao cho các khu dân cư, ban chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư các phường, thành viên Ban vận động tại các khu phố có nhiều công trình, cách làm mới đạt kết quả nổi bật trong năm. Giải thưởng trao vào dịp 18-11 hàng năm, là ngày truyền thống MTTQ. 

Nghĩ ra giải thưởng, được mọi người đồng tình thực hiện rồi, nhưng vấn đề là kinh phí đâu ra? Lúc này uy tín và cái tài vận động của ông mới được dịp phát huy tác dụng. Ngay sau đó, các hội đoàn, hội quán trên địa bàn quận đã ký kết bảo trợ lâu dài cho giải thưởng. Đây không phải là việc dễ.

Chia sẻ “bí quyết” sau nửa đời gắn bó với công tác mặt trận, ông Đỗ Trường Linh nói, để huy động được sự đóng góp về vật chất, công sức và trí tuệ của cộng đồng thực hiện chủ trương chung của thành phố, của cả nước, thì rất cần cái tâm của người cán bộ mặt trận.

Giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM” lần thứ 1 năm 2019: Người cán bộ mặt trận tâm huyết ảnh 1 Ông Đỗ Trường Linh (bên trái) trao đổi cùng người dân về công tác mặt trận

Đến nay, qua 18 năm thực hiện, giải thưởng Đại đoàn kết ở quận 5 đã trao cho 45 lượt ban chỉ đạo phường, 216 lượt Ban vận động khu phố, 138 cá nhân. Trong đó, có những công trình như Ban chỉ đạo phường 10 hoàn thành công trình “Camera an ninh khu phố” góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, cảnh giác phòng chống tội phạm phát sinh trên địa bàn; Ban chỉ đạo phường 15 vận động mạnh thường quân ủng hộ quỹ cho hộ nghèo mượn vốn trả dần không lãi, với kinh phí hơn 350 triệu đồng; xây dựng, sửa chữa, chống dột 5 căn nhà tình thương cho gia đình diện chính sách và các hộ hoàn cảnh khó khăn; Ban chỉ đạo phường 11 chỉ đạo Ban vận động 10 khu phố tổ chức xóa các “điểm nóng” về vệ sinh môi trường; hướng dẫn hộ dân, hộ kinh doanh trên địa bàn đảm bảo có hợp đồng thu gom rác, sử dụng thùng rác có nắp đậy…

“Trải qua nhiều nhiệm kỳ, giải thưởng vẫn tiếp tục. Nhiều anh em ở địa bàn nói với tôi là rất mong muốn và cố gắng đoạt được giải thưởng. Tôi nghĩ sáng kiến này đã được ghi nhận, góp phần tạo nên khí thế thi đua cách làm mới”, ông Linh nói. 

Thu hút mọi người vì mục tiêu chung

Năm 1986, sau thời gian làm việc ở Quận ủy quận 5, rồi Ban Dân vận, ông được phân công sang làm công tác mặt trận, gắn bó với công tác này tới lúc nghỉ hưu năm 2008. Hồi ấy, nhiều người vẫn có suy nghĩ làm mặt trận chỉ là “ngồi chơi xơi nước”, cùng lắm là làm phong trào xã hội từ thiện.

Nhưng ông lại nghĩ, mặt trận là tổ chức có vai trò rất lớn, nếu chịu khó “động não” thì không thiếu gì việc để làm. Mặt trận đâu chỉ là xã hội từ thiện, mà còn có chức năng giám sát, tập hợp lực lượng quần chúng rộng rãi. Vậy trước tiên là phải thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân vào hoạt động vì các mục tiêu chung. 

Nghĩ là làm, ông bắt đầu gây dựng mối dây thân tình với những cộng đồng người Hoa, cộng đồng tôn giáo đóng trên địa bàn quận. Ai cũng biết phải nắm được những người uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng đó; nhưng làm thế nào để họ dốc lòng dốc sức cùng với mặt trận thì không phải chuyện đơn giản

Lần ấy, một linh mục chánh xứ gọi điện cho ông Linh hốt hoảng: “Ông ơi, người ta xây trường học cao che khuất cả hướng nhìn của nhà thờ rồi”. Hỏi ra thì biết trước khi thi công, các đơn vị đã lấy ý kiến của linh mục rồi, nhưng vì không hiểu hết các ngôn từ, thủ tục nên linh mục đã ký biên bản mà chưa xem kỹ.

Ông Linh liền tới gặp lãnh đạo quận trình bày sự việc, đề nghị ngưng công trình lại, không làm tổn hại đến cảnh quan khu vực nhà thờ và được lãnh đạo quận đồng ý. Nhận được tin ấy, vị linh mục chánh xứ cảm động lắm, từ đó mọi công việc lớn nhỏ đều chủ động tham gia cùng mặt trận. 

Ông Linh chia sẻ, công tác mặt trận sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi được sự ủng hộ của cấp ủy, người đứng đầu địa phương. Ông vẫn còn nhớ như in những buổi lên gặp riêng đồng chí lãnh đạo quận để trình bày về những ý tưởng, cách làm mới và đa phần trong số đó đều được gợi mở, khuyến khích thực hiện. Như ý tưởng về Giải thưởng chống tham nhũng ông đưa ra năm 2005 với mục đích khuyến khích người dân phát hiện, tố giác tiêu cực, phòng ngừa tham nhũng.

Khi đưa ra thảo luận, nhiều ý kiến lo ngại, băn khoăn, thậm chí có người truy vấn “động cơ” của ông Linh khi nghĩ ra ý tưởng này. Nhưng nhờ được sự ủng hộ của lãnh đạo quận, ý tưởng này được thành hình, trở thành giải thưởng chống tham nhũng đầu tiên, được báo chí trong nước và truyền thông nước ngoài coi như một sự kiện lớn lúc bấy giờ.

Tin cùng chuyên mục