Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với nhà nước: Cần có chiến lược phòng ngừa rủi ro bị kiện

Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã là bị đơn của 7 vụ kiện trong đó có 3 vụ được hội đồng trọng tài đưa ra phán quyết có lợi cho phía Việt Nam; các vụ còn lại đều được dàn xếp và chưa rõ tình trạng giải quyết...

Ngày 24-5, Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức hội thảo “Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước: các vấn đề pháp lý và thực tiễn”.

Hội thảo thu hút các chuyên gia, luật sư, trọng tài viên trong và ngoài nước cùng thảo luận về các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định đầu tư quốc tế, tất yếu nước ta sẽ đối mặt với các vụ kiện đầu tư quốc tế một cách thường xuyên.

Theo bà Ngô Nguyễn Thảo Vy (Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TPHCM), từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã là bị đơn của 7 vụ kiện trong đó có 3 vụ được hội đồng trọng tài đưa ra phán quyết có lợi cho phía Việt Nam; các vụ còn lại đều được dàn xếp và chưa rõ tình trạng giải quyết.

Do đó, Việt Nam cần có chiến lược phòng ngừa rủi ro bị kiện. Bởi, với các hiệp định đầu tư song phương (BIT) hiện tại giữa Việt Nam với các quốc gia khác (đa số được ký kết từ những năm 1990 nên đã trở nên lỗi thời), cơ chế giải quyết tranh chấp chưa đủ chặt chẽ và tạo kẽ hở pháp lý bất lợi cho nhà nước tiếp nhận đầu tư.

Trong bối cảnh hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết thời gian gần đây cùng với chính sách thu hút đầu tư, các chuyên gia cũng đánh giá, nguy cơ đối diện với các tranh chấp do sử dụng các biện pháp quản lý môi trường là hiện hữu.

Dẫn chứng một số vụ lùm xùm, tranh chấp gần đây về đầu tư và sự cố môi trường, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Trưởng Bộ môn Luật Thương mại quốc tế, Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật TPHCM cho rằng, Chính phủ cần nghiêm túc rà soát, xây dựng và kết nối chính sách thu hút đầu tư và chính sách môi trường một cách phù hợp. Việc làm này nhằm dung hòa quyền được bảo vệ của nhà đầu tư với quyền được theo đuổi chính sách môi trường bền vững của quốc gia.

Đa số các hiệp định đầu tư mà Việt Nam ký kết trong giai đoạn mở cửa những năm 1990 đều chứa đựng cam kết không thực hiện truất hữu và các biện pháp tương đương; Việt Nam cũng cam kết bồi thường thỏa đáng nếu bắt buộc phải thực hiện các biện pháp này.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương đề nghị: “Tại thời điểm hiện tại, đề xuất Chính phủ tạm dừng ký kết thêm các thỏa thuận đầu tư song phương hoặc tạm dừng đàm phán sửa đổi các hiệp định sắp hết hiệu lực cho đến khi xây dựng thành công hiệp định đầu tư mẫu với các điều khoản ít “hy sinh” môi trường hơn. Hoặc đơn giản là khi ký kết các hiệp định xúc tiến đầu tư, cần đảm bảo rõ ràng là mục đích của các hiệp định này là nhằm thúc đẩy và bảo vệ đầu tư góp phần phát triển bền vững”.

Tuy nhiên, do bản chất khó định lượng của yêu cầu này, bà Nguyễn Thị Lan Hương khuyến nghị, Chính phủ có thể cân nhắc đưa vào các hiệp định đầu tư các nguyên tắc quan trọng và có liên quan nhất của luật môi trường quốc tế; khuyến khích đầu tư với các vấn đề cụ thể như bảo vệ môi trường, sức khỏe, an toàn… Khi ký kết bất kỳ hợp đồng đầu tư nào, nhà nước cũng nên chú ý ghi nhận rõ ràng và cụ thể trách nhiệm đối với môi trường của nhà đầu tư.

Góp thêm bài học kinh nghiệm có thể rút ra cho Việt Nam, theo Tiến sĩ Trần Thăng Long, Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ Pháp lý, Đại học Luật TPHCM, cần có cơ chế giải thích các điều ước quốc tế về đầu tư của Việt Nam. Điều này vừa giúp cho các cơ quan thi hành pháp luật về đầu tư ở Trung ương và địa phương có thể nắm rõ, áp dụng đúng đắn, chính xác và nhất quán, tránh sự mâu thuẫn, hiểu sai dẫn đến nguy cơ phát sinh tranh chấp.

Hiện nay, quy định của nước ta chủ yếu mới đề cập ở giai đoạn sau khi tranh chấp về đầu tư đã phát sinh gắn với việc chuẩn bị cho vụ kiện. Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Thăng Long cho rằng, để phòng ngừa nguy cơ xảy ra các vụ kiện thì vấn đề giải thích rõ về nội dung của các điều ước quốc tế về đầu tư có ý nghĩa quan trọng nhằm loại trừ khả năng xảy ra tranh chấp từ giai đoạn thực thi.

Trong phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế, có một nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu một cơ quan đầu mối về phòng ngừa. Việt Nam hiện nay chưa có cơ chế luật định về phòng ngừa tranh chấp.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp đề nghị, nếu quyết định xây dựng một cơ quan đầu mối về phòng ngừa tranh chấp thì Bộ KH-ĐT là phù hợp.

Việc xây dựng cơ chế cảnh báo sớm hay thông tin lên cơ quan cấp Trung ương sớm là rất quan trọng nhằm quyết định có hay không can thiệp vào quá trình giải quyết vướng mắc khiếu nại và hình thức can thiệp như thế nào? Đồng thời, nâng cao chất lượng tập huấn cán bộ, công chức về pháp luật đầu tư quốc tế và phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế.

Tin cùng chuyên mục