Giải pháp mới cho cải tạo chung cư cũ

Tiến độ cải tạo, xây mới chung cư thay thế chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn TPHCM so với kế hoạch còn chậm. Để tạo sự đột phá trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố đề ra giải pháp liên kết các chung cư cũ để tạo quỹ đất thu hút nhà đầu tư.

Nghiên cứu cách làm mới

TPHCM hiện còn 474 chung cư xây dựng từ trước năm 1975 cần thực hiện cải tạo hoặc đầu tư xây dựng mới, trong đó có 237 chung cư hư hỏng cần tiến hành cải tạo từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tiến độ cải tạo chung cư cũ khá chậm.

Đến nay, TPHCM đã bố trí 57,1 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa 132 chung cư cũ; đã công nhận chủ đầu tư để thực hiện xây dựng chung cư mới thay thế cho 7 chung cư; đã thỏa thuận, di dời được 527 hộ dân tại 11 chung cư (14 lô), trong đó di dời toàn bộ tại 10 chung cư (13 lô) với 509 hộ, di dời dở dang tại 1 chung cư  với 18 hộ; đã tháo dỡ toàn bộ 6 chung cư (10 lô) với 108.741m2 sàn; đã hoàn thành xây dựng mới 2 chung cư với quy mô 88.187m2 sàn, 876 căn hộ; đang thi công xây dựng 2 chung cư quy mô 90.575m2 sàn, 878 căn hộ.

Giải pháp mới cho cải tạo chung cư cũ ảnh 1 Phần lớn các chung cư trong những quận nội thành xây dựng trước 1975 có diện tích rất nhỏ

Phần lớn các chung cư trong những quận nội thành xây dựng trước 1975 có diện tích rất nhỏ, thậm chí có những chung cư diện tích khuôn viên chỉ vài trăm mét vuông. Chính vì thế, nếu tách các dự án này ra từng dự án độc lập rồi xây mới, tái định cư tại chỗ cho người dân thì sẽ không còn đất cho doanh nghiệp tham gia xây dựng lại chung cư.

Do đó, TPHCM chủ trương giao cho các sở ngành, quận huyện rà soát trên địa bàn mình các chung cư cũ cần xây mới, xem các chỉ tiêu quy hoạch để có thể dồn các hộ tái định cư vào một chung cư, những quỹ đất còn lại dành cho nhà đầu tư. 

Với cách làm này, hy vọng sau khi “liên kết” các dự án lại với nhau sẽ tạo nên quỹ đất cần thiết để vừa đảm bảo yêu cầu tái định cư tại chỗ cho người dân, vừa đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia xây mới lại chung cư xuống cấp; về phía Nhà nước cũng sẽ đảm bảo nhu cầu chỉnh trang đô thị.

Thí điểm tại quận 3

Ông Đỗ Minh Long, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3, cho biết trên địa bàn quận hiện có 49 chung cư cũ xây dựng trước 1975, phần lớn các chung cư có diện tích khu đất nhỏ (13 chung cư có diện tích dưới 500m2, 15 chung cư diện tích dưới 1.000m2…). Thời gian qua chỉ có 1 chung cư cấp D (nguy hiểm cần phải di dời) trên đường Võ Văn Tần đã được nhà đầu tư  tự thỏa thuận với người dân, đến nay đã bồi thường, di dời xong. Các chung cư còn lại đang trong giai đoạn vận động người dân, tìm kiếm nhà đầu tư.

Giải pháp mới cho cải tạo chung cư cũ ảnh 2 Chung cư Nguyễn Thiện Thuật là một trong những chung cư có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng mới trên địa bàn quận 3

Theo lãnh đạo quận 3, với những chung cư diện tích nhỏ, trên dưới 1.000m2 có số lượng hộ dân lớn, vị trí không thuận lợi, rất khó mời gọi đầu tư. Để khắc phục tình trạng này, quận đã xin ý kiến thành phố về việc gắn liền 9 chung cư cũ với dự án xây dựng Khu dân cư - Trung tâm thương mại Lê Văn Sỹ, chuyển đổi chức năng sử dụng đất từ đất ở sang chức năng thương mại - dịch vụ - văn phòng - khách sạn với các chỉ tiêu quy hoạch theo chương trình cải tạo sửa chữa chung cư cũ. UBND TPHCM đã chấp thuận đề xuất này. Đối với các chung cư nhỏ còn lại, quận 3 cũng có phương án gắn liền với dự án Khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật theo phương thức như trên.

Qua khảo sát sơ bộ tại các chung cư cũ trên địa bàn quận, phần lớn người dân muốn xây mới để có chỗ ở mới tốt hơn. Tuy nhiên theo quy định, nếu không phải chung cư xuống cấp loại D thì buộc phải có 100% chủ sở hữu đồng ý mới được tháo dỡ, xây mới. Điều này hết sức khó khăn cho nhà đầu tư và cả chính quyền.

Bí thư Quận ủy quận 3 Trần Trọng Tuấn cho biết, hiện nay quận đang triển khai 3 dự án chỉnh trang đô thị cấp bách. Quan điểm của quận khi triển khai là phải đạt được sự đồng thuận của người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Nơi ở của người dân tái định cư phải gắn liền với không gian sống, việc làm, điều kiện học hành, đi lại… Tùy vào từng nhóm đối tượng bị ảnh hưởng khi triển khai các dự án mà quận có các chính sách linh hoạt.

Chẳng hạn, với các tiểu thương thì phải bảo đảm việc kinh doanh, buôn bán của họ bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất; đối với người dân bị di dời, cần chú trọng đến đơn giá bồi thường, bố trí tái định cư. Tùy từng vị trí, hoàn cảnh để có chính sách hợp lòng dân nhất. Khi người dân đồng tình ủng hộ thì dự án có khó đến mấy cũng sẽ thực hiện được. Hướng triển khai liên kết các dự án tạo quỹ đất cho nhà đầu tư hy vọng sẽ tạo đột phá trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục