Giải pháp cho mục tiêu tinh giản biên chế

Mục tiêu tinh giản biên chế ở TPHCM trong thời gian qua kết quả còn thấp. Triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, lãnh đạo TP khẳng định sẽ chủ động, đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với việc chi thu nhập bình quân tăng thêm cho công chức có năng lực. Giải pháp nào cho mục tiêu quan trọng này?
Giải quyết hồ sơ cấp chủ quyền nhà đất tại UBND quận 3, TPHCM Ảnh: VIỆT DŨNG
Giải quyết hồ sơ cấp chủ quyền nhà đất tại UBND quận 3, TPHCM Ảnh: VIỆT DŨNG
“Vỡ” biên chế vì khách vãng lai
Đầu năm 2018, Sở GTVT TPHCM chấm dứt hợp đồng lao động đối với 49 người (có 40 hợp đồng không xác định thời hạn) thuộc Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Lý giải về số lao động “dôi dư” này, Sở GTVT cho biết đơn vị chịu áp lực lớn trước số người đăng ký sát hạch và cấp mới, cấp đổi bằng lái; trong đó, người không có hộ khẩu thường trú tại TPHCM chiếm số lượng khá lớn.
Mỗi ngày có hơn 1.500 bằng lái xe được cấp mới và hơn 1.200 bằng lái xe được cấp đổi; lúc cao điểm có khi lên đến 3.000 bằng lái xe cấp và đổi mỗi ngày. Tính cả năm, như năm 2016, TPHCM tổ chức 3.360 kỳ sát hạch lái mô tô và ô tô, cấp và đổi hơn 1.034.000 bằng lái xe.
Con số này chiếm đến 40% tổng số bằng lái xe được cấp, đổi trong cả nước. Chịu áp lực lớn trong việc giải quyết nhu cầu của người dân nhưng vướng trần biên chế nên Sở GTVT ký 49 hợp đồng lao động nêu trên. Họ được giao nhiệm vụ nhập, đối chiếu dữ liệu, kiểm tra hồ sơ dự sát hạch, cắt - dán ảnh vào hồ sơ, in bằng lái xe, kiểm tra dữ liệu, đóng dấu nổi…
Sau khi chấm dứt hợp đồng đối với 49 trường hợp trên, Sở GTVT điều chuyển số lao động này về một đơn vị sự nghiệp công lập (thuộc Sở GTVT) và áp dụng cơ chế đặt hàng để đơn vị này cung ứng nhân sự phục vụ việc sát hạch, cấp đổi bằng lái xe. 
UBND TP đã nhấn mạnh, các cơ quan, đơn vị sử dụng hết biên chế được giao thì dứt khoát không được hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Song, việc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở/ngành, quận/huyện thực hiện chấm dứt hợp đồng (như Sở GTVT) rất hiếm hoi. 
Giữa tháng 3-2018, HĐND TP phê duyệt tổng biên chế hành chính năm 2018 có gần 12.345 người và 120.000 người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, so với năm 2017, biên chế hành chính giảm 252 người (2%); đơn vị sự nghiệp công lập giảm gần 5.360 biên chế. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Văn Làm cho biết, việc giảm biên chế như trên là thực hiện theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết yêu cầu đến năm 2021, TPHCM phải tinh giản ít nhất 10% số cán bộ, công chức, viên chức so với năm 2015. Sở Nội vụ tính toán, số viên chức mà TPHCM tinh giản sẽ đạt và vượt yêu cầu. Tuy nhiên, việc tinh giản công chức là rất nan giải.
Ông Lê Văn Làm cho biết thêm, ngay sau khi có chủ trương tinh giản biên chế, TPHCM xây dựng kế hoạch thực hiện trong 7 năm (2015-2021). Song, tính từ năm 2015 đến cuối tháng 1-2018, toàn TPHCM chỉ tinh giản được 297 trường hợp (64 công chức, 125 viên chức và 108 hợp đồng). Những trường hợp tinh giản trên chủ yếu là người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc hay chuyển công tác. Kết quả tinh giản biên chế trong thời gian qua là rất khiêm tốn.
Đẩy mạnh phân cấp, ứng dụng công nghệ thông tin
Trong các năm qua, UBND TPHCM giao biên chế hành chính tuy luôn thấp hơn chỉ tiêu được HĐND TP duyệt nhưng vẫn vượt ngưỡng Trung ương giao. Năm 2017, biên chế hành chính của TPHCM đã giảm 8,78% so với năm 2015, nhưng vẫn cao hơn số Trung ương giao gần 3.720 người. Năm 2018, UBND TP tiếp tục giảm biên chế 2% so với năm 2017, nhưng vẫn trội hơn 3.850 người.
Sở Nội vụ lý giải, TPHCM có khoảng 8,6 triệu dân. Do tính chất đặc thù của TPHCM là đô thị đặc biệt, là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ… nên thu hút một lượng lớn khách vãng lai. Tính cả khách vãng lai thì TPHCM có trên 13 triệu dân và đội ngũ công chức hành chính đang bị quá tải công việc. Có những sở/ngành ở TPHCM phải giải quyết 1.000 hồ sơ/ngày và có cán bộ phải giải quyết 100 hồ sơ/ngày. Trong khi đó, một số tỉnh - thành chỉ phải giải quyết vài ngàn hồ sơ/năm.
“Áp lực công việc tại TP rất lớn”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhận xét và cho biết nếu thực hiện đúng biên chế công chức do Trung ương giao (đồng nghĩa với việc phải giảm hơn 3.850 công chức) thì TPHCM sẽ không đủ số lượng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu công việc. Do đó, trước mắt, TPHCM giảm 2% biên chế hành chính so với năm 2017, sau đó sẽ tiếp tục giảm dần.
“Biên chế thực có của TPHCM luôn cao hơn chỉ tiêu của Trung ương giao nhưng năng suất lao động của cán bộ, công chức ở TPHCM vẫn cao gấp 1,5 lần mức bình quân cả nước”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Văn Làm so sánh. Tuy vậy, TPHCM vẫn tiếp tục tích cực rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản cán bộ sẽ được tính toán cụ thể và thực hiện quyết liệt, không ngại va chạm. Đặc biệt, trong bối cảnh TPHCM tập trung thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội càng đòi hỏi bộ máy tinh gọn, hiệu quả và đội ngũ công chức có năng lực, góp phần xây dựng, phát triển TPHCM nhanh, bền vững.
Ông Lê Văn Làm cũng nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm đảm bảo bớt người nhưng công việc vẫn trôi chảy, như đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Đồng thời, phân định rõ việc nào cơ quan nhà nước làm, việc sẽ nào giao cho xã hội làm, nhằm tránh tình trạng Nhà nước “ôm” quá nhiều việc. Các đơn vị phải hoàn tất xây dựng đề án vị trí việc làm và xây dựng, thực hiện quyết liệt kế hoạch tinh giản biên chế. UBND TP đã quy định rõ về trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề này: Kết quả thực hiện tinh giản biên chế sẽ được xem là một tiêu chí để đánh giá, xếp loại kết quả công tác hàng năm, nhiệm kỳ. Những cơ quan, đơn vị không thực hiện tốt việc tinh giản biên chế thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị sẽ không được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Kiến nghị mở rộng đối tượng tinh giản

Theo UBND TPHCM, kết quả tinh giản biên chế trong những năm qua còn ít nguyên nhân là do rất ít đối tượng thuộc diện tinh giản. Vì vậy, UBND TP kiến nghị Bộ Nội vụ mở rộng đối tượng tinh giản.
Đó là công chức có 1 năm gần nhất không hoàn thành nhiệm vụ và cơ quan đánh giá khó có khả năng tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ (do năng lực yếu).
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp tổ chức bộ máy thôi giữ chức vụ lãnh đạo, còn dưới 3 năm nữa về hưu, hoặc công chức tự nguyện tinh giản biên chế (được đơn vị quản lý, sử dụng đồng ý).
Tương tự, công chức theo đề án vị trí việc làm cần đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn hoặc chuyển sang vị trí khác.

Tin cùng chuyên mục