Giải pháp cấp bách cần được triển khai sớm

Ngày 30-1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (chương trình) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Ngày 12-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện số 126/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Những quyết nghị, chỉ đạo được ban hành ngay trước và sau Tết Nguyên đán nêu trên cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất muốn đưa nhanh những chủ trương, chính sách mà Quốc hội thông qua được triển khai sớm để giúp phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Từ ngày 1-2, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế có hiệu lực. Trong đó, điểm nhấn là chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%. Còn ngày 16-2, Văn phòng Chính phủ có thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đồng ý đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ 15-3. Về gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, ngày 8-2, tại buổi thăm và chúc tết ngành ngân hàng của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang chủ động xây dựng các quy định triển khai nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ để hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ lãi suất. Song, ông Đào Minh Tú cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để triển khai gói hỗ trợ này, đảm bảo triển khai sớm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu. 

Một số chủ trương, biện pháp đáng chú ý nêu trên đều nằm trong 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề cập trong Nghị quyết số 11/NQ-CP. Tuy vậy, nếu nhìn vào danh mục 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần phải triển khai thì những chủ trương, chính sách đã và dự kiến thực hiện nêu trên là không nhiều; có những chính sách vẫn đang trong quá trình phối hợp xây dựng. Thậm chí, có những gói hỗ trợ cần phải triển khai nhanh nhằm hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội vẫn chưa ban hành. Ví dụ như gói hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; trong đó, mức hỗ trợ với lao động quay trở lại làm việc là 1 triệu đồng một tháng và lao động đang làm tại các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng.

Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành sau khi Quốc hội thảo luận trong kỳ họp bất thường (diễn ra đầu tháng 1), cho thấy, tính cấp bách của việc cần phải đưa ra các chương trình, chính sách hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế. Do tính chất cấp bách của gói giải pháp sẽ giải ngân trong 2 năm, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT từng nhấn mạnh, các bộ, ngành cần vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ ngay trong quý 1 năm nay để kịp giải ngân gói hỗ trợ phục hồi. Bởi, một nửa dung lượng nghị quyết là nêu những nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành nên việc triển khai cần sự phối hợp nhịp nhàng từ các đơn vị.

Với quy mô gói tài khóa, tiền tệ khoảng 350.000 tỷ đồng - gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay, Nghị quyết số 43/2022/QH15 mang đến những kỳ vọng rất lớn từ cơ quan xây dựng, ban hành chính sách lẫn đối tượng thụ hưởng để Chương trình phục hồi kinh tế năm 2022-2023 đi đúng hướng, đúng đối tượng, địa chỉ và là bàn đạp vực dậy sự hồi phục của doanh nghiệp. Nhưng, hiệu quả của chương trình sẽ chỉ đến khi những giải pháp cấp bách được triển khai sớm; các mục tiêu, định hướng đề ra phải được chuyển hóa thành các giải pháp, hành động với kết quả cụ thể; và, song song với đó là sự giám sát chặt chẽ để các gói hỗ trợ không bị trục lợi.

Tin cùng chuyên mục