Giải pháp căn cơ

Thời gian gần đây, ngoài việc công khai tài chính về số tiền thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, có một vấn đề thời sự khác đó là giải pháp chống ùn tắc trên tuyến cao tốc này. 
Giải pháp căn cơ

Tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây kể từ khi được đưa vào sử dụng cách đây gần 4 năm đã nhanh chóng phát huy hiệu quả về kinh tế - xã hội như giảm thời gian đi lại giữa TPHCM với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... tăng kết nối vùng, kích thích du lịch phát triển, giảm kẹt xe cho tuyến quốc lộ 1. Tuy nhiên, do lưu lượng xe tăng quá nhanh, bình quân trong năm 2018 có đến 40.000 lượt xe qua lại ngày/đêm làm đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là vào dịp cuối tuần hay lễ, tết. Nguyên nhân chính là do các xe container đột nhiên chết máy trên cầu Long Thành trong khi mặt cầu chỉ có 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp. Ngoài ra, còn do việc xây dựng Trạm thu phí Long Phước chưa hợp lý (bố trí ở ngay đầu cầu Long Thành, địa phận TPHCM) cũng là một nguyên nhân gia tăng áp lực ùn tắc khi sự cố xảy ra. Việc đặt trạm thu phí quá gần nút giao với quốc lộ 51 cũng là nguyên nhân gia tăng nạn ùn tắc thường xuyên trên tuyến.   

Trong khi chờ đợi việc thi công mở rộng mặt cầu hay di dời 2 trạm thu phí trên tuyến, một giải pháp khá căn cơ có thể triển khai ngay, đó là Công ty Quản lý tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (VEC E) cần tăng làn thu phí tự động (ETC). 

Hiện ở Trạm thu phí Long Phước có 5 làn thu phí nhưng để 4 làn hỗn hợp và chỉ có một làn thu phí tự động. Trong khi làn thu phí ETC thường xuyên trống trải thì 4 làn còn lại luôn quá tải, phải chờ đợi. Ở Trạm thu phí quốc lộ 51 giao với cao tốc cũng có 4 làn nhưng chỉ có một làn thu phí tự động làm tăng thời gian của tài xế khi thanh toán phí qua trạm.  

Để giảm ùn tắc tạm thời trên tuyến cao tốc này, VEC E cần nhanh chóng bố trí thêm làn thu phí tự động lên 3 làn và chỉ nên bố trí 1-2 làn thu hỗn hợp. Và để tăng tỷ lệ thu phí tự động, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cũng cần có các hình thức ưu đãi dành cho chủ xe, lái xe, nhất là với các hãng kinh doanh dịch vụ du lịch, vận tải hàng hóa có nhiều xe tham gia trên tuyến cao tốc. 

Việc đẩy nhanh tiến độ bổ sung hệ thống thu phí tự động cũng là thực hiện nghiêm Quyết định số 07/2017 của Thủ tướng Chính phủ để vừa giảm thiểu thời gian qua trạm; đồng thời cũng góp phần tăng tính minh bạch, giúp cơ quan chức năng dễ kiểm tra, giám sát nguồn thu phí. Đây cũng chính là vấn đề mà dư luận đang đặt ra với các đơn vị chuyên kinh doanh cao tốc hay các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức BOT hay BT hiện nay.

Tin cùng chuyên mục