Giải ngân vốn đầu tư công: Bức thiết nhưng vẫn ì ạch

Đầu tư công luôn là một vấn đề nóng, nhưng có lẽ chưa bao giờ cụm từ “chậm phân bổ, triển khai kế hoạch” lại được nhắc đến với sự bức xúc rõ rệt như thế tại nhiều diễn đàn gần đây, đặc biệt là trong khuôn khổ phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa kết thúc hôm 13-5.
Quan cảnh phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QUANG VINH
Quan cảnh phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QUANG VINH

Khả năng không hoàn thành kế hoạch

Theo báo cáo mới nhất của Bộ KH-ĐT, tính đến hết ngày 25-4, tổng số vốn các bộ, ngành, địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho những dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là gần 479.530 tỷ đồng, đạt 92,6% so với số vốn Thủ tướng đã giao. Về giải ngân, 4 tháng đầu năm, ước thanh toán trên 95.724 tỷ đồng, bằng 18,48% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2021. 

Tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhận định, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng năm 2022 cơ bản tương tự như các năm trước. Bên cạnh tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, thì xu hướng giải ngân chậm đầu năm, tăng dần vào cuối năm còn do tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên. Việc giải ngân các công trình trọng điểm quốc gia và đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục không bảo đảm tiến độ. 

Đặc biệt, việc tổ chức triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được coi là khá chậm. Đã qua 5 tháng kể từ ngày thông qua nghị quyết, nhưng nguồn vốn chưa đi vào thực tế, chưa có danh mục vốn cụ thể cho các dự án thành phần... Theo lãnh đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nếu đối chiếu với quy định về tiến độ giải ngân, thời hạn hoàn thành dự án quy định trong Nghị quyết 43 của Quốc hội thì khó hoàn thành.

Ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương đã trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những giải pháp không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Đó là, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 để chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn. Về lâu dài, giải pháp căn cơ vẫn là kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; nâng cao khả năng tham gia của cộng đồng vào việc giám sát các dự án đầu tư công... 

Tại phiên họp vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đặt câu hỏi: “Vấn đề này đã được Chính phủ đưa vào giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022. Hiện đã làm đến đâu, có vướng mắc gì không”? Thông tin phản hồi từ Bộ KH-ĐT cho hay, tờ trình trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về thí điểm tách giải phóng mặt bằng hiện vẫn còn một số ý kiến khác nhau về nội dung, phạm vi điều chỉnh…, đặc biệt là vấn đề về trình tự, thủ tục liên quan đến đất đai. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, sự chậm trễ trong giải ngân, dẫn đến chuyển nguồn qua các năm khá lớn không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn mà còn làm mất đi ý nghĩa, tính chất của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Ngay từ khâu lập dự toán cần chấn chỉnh, khắc phục kiểu làm đại khái, không dựa trên cơ sở nguồn thu cũng như năng lực triển khai thực tế. Phải nghiêm túc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm nguồn lực sớm đưa vào vận hành, đến với người dân; kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm trong việc để chậm tiến độ đối với cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, có ý nghĩa hết sức quan trọng này.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2022 được dự báo còn nhiều khó khăn, thì việc thúc đẩy cỗ xe đầu tư công đầu tư công - một trong những trụ cột, động lực quan trọng, dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển động nhanh hơn không chỉ là yêu cầu cần thiết, mà là hết sức cấp thiết.

Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%; 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn. Những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp như Bộ TT-TT giải ngân đạt 2,94%, Bộ KH-CN đạt 10,72%, Ủy ban Dân tộc chưa giải ngân (tỷ lệ 0%).

Tin cùng chuyên mục