Giải mã thành công trong đầu tư công

Chính phủ vừa có Báo cáo số 73/BC-CP về kết quả điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (theo Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội) gửi tới Quốc hội để phục vụ kỳ họp thứ 11 sắp diễn ra. Bản báo cáo đã “giải mã” kết quả ấn tượng năm 2020 - năm có tốc độ giải ngân cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, đạt 97,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đó, tại Nghị quyết số 122, Quốc hội giao Chính phủ trong trường hợp cần thiết, chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn NSTƯ năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn NSTƯ năm 2020 đã được Quốc hội quyết định để bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn, nhất là đối với các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTƯ năm 2020, trong đó, giảm kế hoạch đầu tư vốn NSTƯ năm 2020 với số vốn là 576,851 tỷ đồng của 5 bộ, cơ quan trung ương gồm: Bộ KH-ĐT, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 5 địa phương: TPHCM, Cần Thơ, Bình Dương, Nghệ An và Gia Lai. Số vốn 576,851 tỷ đồng nói trên đã được điều chuyển cho 16 địa phương. 

Đáng lưu ý, đối với vốn nước ngoài thuộc nguồn NSTƯ, Thủ tướng đã cho phép điều chỉnh giảm gần 15.189 tỷ đồng của 10 bộ, cơ quan trung ương và 45 địa phương. Tất cả 10 bộ, cơ quan trung ương và 45 địa phương căn cứ vào tình hình thực tế giải ngân của dự án, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng đã chủ động có văn bản đề xuất trả lại kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài. Trong đó, có gần 590 tỷ đồng được điều chỉnh tăng cho 6 địa phương…

Tính chung, chênh lệch điều chỉnh tăng/giảm (gần 14.600 tỷ đồng), Chính phủ trình Quốc hội cho phép giảm bội chi NSTƯ năm 2020. Việc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị giảm kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn NSTƯ năm 2020 khá lớn được cho là có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như tác động của đại dịch Covid-19; công tác lập kế hoạch vốn ODA chưa sát với nhu cầu thực tế, dự án có nhu cầu bổ sung vốn giải ngân không được bố trí vốn kịp thời hoặc bố trí thiếu, vốn đối ứng không được bố trí đủ.

Bên cạnh đó, tính sẵn sàng trong chuẩn bị dự án chưa tốt; công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án ODA còn gặp khó khăn. Cũng không thể không kể đến nguyên nhân cố hữu từ hàng chục năm nay vẫn chưa khắc phục được triệt để, đó là thủ tục thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết hiệp định và điều chỉnh các dự án ODA còn phức tạp; quy định pháp luật về vốn ODA còn chưa đồng bộ.

Mặc dù vậy, điều dễ nhận thấy là việc chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTƯ năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, từ dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao đã đem lại kết quả tích cực.

Tới đây, bắt đầu từ kế hoạch đầu tư công năm 2021, theo Luật Đầu tư công 2019 quy định chỉ giải ngân 1 năm, thay vì 2 năm như trước đây. Với số vốn kế hoạch hàng năm không giải ngân hết và không được kéo dài, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sẽ bị trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Chắc chắn các cấp ngành và địa phương sẽ còn phải tiếp tục quyết liệt và rốt ráo hơn nữa trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, thẩm định quyết định đầu tư, bố trí vốn, đến triển khai, giám sát thực hiện, kiểm toán, quyết toán… Nếu cả guồng máy “đều tay”, có cơ sở để hy vọng đầu tư công sẽ tiếp tục “đơm hoa kết trái”.

Tin cùng chuyên mục