Giai đoạn nguy kịch của già hóa dân số

Giới quan sát cảnh báo tình trạng già hóa dân số trên thế giới đang tiến đến giai đoạn nguy kịch, vượt qua ranh giới của cái gọi là tái sinh sản (mức sinh thay thế) của dân số. Hay nói cách khác, đây là quá trình chuyển đổi nhân khẩu học, tức chuyển từ tỷ lệ sinh và chết cao, sang tỷ lệ sinh và chết thấp. 
Tập phục hồi sức khỏe tại một trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở Anh
Tập phục hồi sức khỏe tại một trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở Anh

Tác động của già hóa dân số 

Hãng Sputnik dẫn lời chuyên gia Viktor Marakhovsky cho hay, các quốc gia, khu vực đang chứng kiến quá trình chuyển đổi nhân khẩu học gồm có: Nga, Mỹ, Canada, tất cả các nước châu Âu, các quốc gia Đông Á, một phần đáng kể Nam Mỹ và thậm chí ở cả một số quốc gia Hồi giáo lớn như Iran và Bangladesh. Ở những quốc gia này, tổng tỷ suất sinh ít hơn 2 con/phụ nữ, có nghĩa là thế hệ sau ít người hơn thế hệ trước, vì bố mẹ cần có ít nhất 2 con để sau này khi mình qua đời thì dân số không giảm. Nhiều quốc gia khác sẽ vượt qua ranh giới này trong vòng 1 thập niên tới, vì tỷ lệ sinh đang giảm như Mexico, Argentina và Ấn Độ. Indonesia và Saudi Arabia đang tiếp cận ranh giới này. Ngay cả ở những vùng từng bảo đảm gia tăng dân số thế giới như Pakistan, Ai Cập, hay Nigeria, tỷ lệ sinh hiện tại cũng thấp hơn 25%-50% so với thời kỳ đỉnh cao cách đây 40-60 năm.

Sau khi phân tích tình hình ở châu Âu và Mỹ, Hãng tin Bloomberg cho rằng, số người cao tuổi gia tăng có thể định hình lại cả nền kinh tế. Rất nhiều thách thức đặt ra đối với một nền kinh tế già hóa: mất cân bằng nhân khẩu học, thiếu lực lượng lao động, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế và áp lực lên quỹ lương hưu. Còn ngay với đại dịch Covid-19, nhiều nhà phân tích nhận định, già hóa dân số ở khu vực Đông Á - một trong khu vực đầy tiềm năng phát triển - sẽ ảnh hưởng đến phục hồi của kinh tế toàn cầu hậu Covid-19. 

Andrew Mason, chuyên gia đến từ Đại học Hawaii (Mỹ), nói: “Tỷ lệ sinh tại Đông Á thấp hơn nhiều so với những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp khác trên toàn thế giới. Điều này dẫn đến tình trạng giảm dân số, giảm mức sống, GDP, tăng trưởng chậm cùng nhiều thách thức kinh tế nghiêm trọng khác”.

Hơn cả vấn đề kinh tế, với nhiều người đứng đầu một chính phủ, già hóa dân số còn là một nỗi lo về sự tồn vong của một quốc gia. Thủ tướng Italy Mario Draghi từng cảnh báo: “ Một nửa dân số Italy hiện trên 47 tuổi, độ tuổi trung bình cao nhất ở châu Âu. Một nước Italy không có trẻ em là một nước Italy không có chỗ đứng trong tương lai, đó sẽ là một nước Italy đang dần không còn tồn tại”…

Xử lý hệ quả

Thống kê được hãng Bloomberg dẫn ra cho thấy, năm 2018, Mỹ đã có 6,5 triệu người từ 85 tuổi trở lên (khoảng 2% dân số). Trong khi đó, số người từ 75 - 84 tuổi là khoảng 15 triệu người, tức khoảng 4,5% dân số. Một thống kê nữa cho hay, 40% những người Mỹ từ 85 tuổi trở lên mắc bệnh Alzheimer. 70% những người trên 65 tuổi sẽ cần được chăm sóc vào một thời điểm nào đó. Điều này đồng nghĩa với việc chẳng bao lâu nữa, số lượng người Mỹ mắc bệnh Alzheimer sẽ tăng gấp đôi và số người cao tuổi cần được chăm sóc liên tục sẽ tăng lên tương ứng. Vậy ai sẽ chăm sóc người cao tuổi?

Theo chuyên gia Marakhovsky, câu trả lời “robot sẽ làm mọi thứ” nghe thật tuyệt. Tuy nhiên, chuyên gia người Nga cho rằng, đó chỉ là một câu chuyện còn rất xa vời, thậm chí chỉ là tưởng tượng. “Thực sự là cần cả một chặng đường dài đến khi có một robot chăm sóc người già bị mất trí nhớ, tức là kiểm soát những người cao tuổi về mọi mặt, thay quần áo, cho ăn và tắm rửa…”, ông Marakhovsky nói.

Với câu trả lời “con cháu sẽ chăm sóc người cao tuổi”, chuyên gia người Nga cho rằng, ít có sức thuyết phục, bởi vì sẽ có ít con cháu hơn người già khi tỷ lệ sinh đã giảm mạnh. Ngoài ra, chăm sóc người già có nghĩa là con cháu phải dành hàng triệu và hàng tỷ giờ lao động, thay vì học tập và làm việc. Do đó, câu trả lời là những người được đào tạo đặc biệt, những y tá sẽ làm tất cả mọi thứ. Điều này đồng nghĩa với việc trong các thế hệ mai sau (ở Mỹ hiện có khoảng 15% dân số trên 65 tuổi, ở Nga - hơn 20%), sẽ cần nhiều hộ lý điều dưỡng chăm sóc người già - công việc chuyên nghiệp đòi hỏi tính chuyên môn cao. Vấn đề ở chỗ, ngành này không giống như chăm sóc trẻ em, không được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước và người dân phải bỏ tiền túi. Một ngành thực sự không có nhiều hấp dẫn vì không mang lại nhiều lợi nhuận. Ngoài ra, rất khó kiếm nguồn y tá nhiều như vậy khi tỷ lệ sinh ngày một giảm.

Chính vì những thách thức rất lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội, rất nhiều quốc gia đang tập trung vào cải cách chính sách kế hoạch hóa gia đình với kỳ vọng sẽ thúc đẩy tỷ lệ sinh. Như tại Trung Quốc, chính phủ nhiều địa phương đã khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 với nhiều đãi ngộ như: có thêm 1 tháng nghỉ thai sản, trợ cấp nuôi con đến 3 tuổi cùng với 30 ngày nghỉ phép bổ sung… 

Hay tại Hàn Quốc, một nền kinh tế lớn của châu Á đang đối mặt với tỷ lệ sinh giảm mạnh, nhiều chính quyền địa phương cũng hỗ trợ tiền mặt cho người sinh con như: chi trả trợ cấp trẻ sơ sinh, nâng khoản hỗ trợ khuyến khích sinh con, mở rộng hỗ trợ chi phí giáo dục cho các gia đình đông con... Ủy ban đặc biệt về đối phó tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa của Hàn Quốc chỉ ra rằng, tỷ lệ sinh thấp phải được nhìn nhận dước góc độ “hệ quả” chứ không phải là “vấn đề”. Vì vậy, phải áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ đa dạng ngoài phương án hỗ trợ trực tiếp để đảm bảo người phụ nữ có thể kết hôn, sinh con mà không bị bất lợi, vẫn duy trì được kinh nghiệm làm việc và phát triển bản thân.

Tin cùng chuyên mục