Giải cứu thú rừng Tây Nguyên

Tây Nguyên có độ che phủ rừng cao, là môi trường sống lý tưởng cho thú rừng. Tuy nhiên, thú rừng đang đối diện với nguy cơ bị săn bắt để lấy thịt, làm cảnh. Ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên đang nỗ lực để giải cứu thú từ rừng đến quán nhậu.
Lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Yók Đôn tổ chức tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã tại xã Krông Na. Ảnh: MAI CƯỜNG
Lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Yók Đôn tổ chức tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã tại xã Krông Na. Ảnh: MAI CƯỜNG

Gỡ bẫy thú rừng

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi theo chân tổ tuần tra do ông Nguyễn Hữu Tạo, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn dẫn đầu, đi tuần tra rừng ở khu vực buôn Drăng Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) nằm sâu trong lõi rừng. Dọc theo lối mòn tuần tra hơn 10km, chúng tôi nhiều lần phải giật mình khi bắt gặp từng đàn heo rừng chạy xồng xộc. Trên những cây cao, nhiều chú khỉ đu mình chuyền cành hú nhau gọi bầy. Ông Nguyễn Hữu Tạo cho biết, nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, không để con người xâm phạm, tác động đến hệ sinh thái, môi trường sống nên vườn có rất nhiều loài thú hoang dã, trong đó nhiều loài động vật nằm trong danh sách quý hiếm đang được bảo tồn.

Khi đến khu vực rừng gần buôn Drăng Phốk, tổ tuần tra tản ra các khu vực gần suối, khe nước để truy tìm các bẫy thú. Sau vài giờ lùng sục, chiến lợi phẩm chúng tôi thu được là 5 chiếc bẫy thú các loại. Ông Nguyễn Hữu Tạo giải thích: “Người dân biết được đặc tính của thú hoang thường tìm xuống khu vực khe suối để uống nước nên hay đặt bẫy. Năm 2021, chúng tôi đã thu gom được hơn 1.000 bẫy thú các loại, còn từ đầu năm 2022 đến nay, thu được hàng trăm bẫy thú, giải cứu hàng chục cá thể động vật hoang dã”… 

Ngay trong buổi tuần tra, tổ tuần tra cũng đến từng hộ dân ở buôn Drăng Phốk tuyên truyền, vận động người dân không được vào VQG để bẫy thú, đồng thời không nuôi nhốt thú hoang dã vì các mục đích khác nhau. Sau khi nghe các cán bộ tuyên truyền, người dân đều hồ hởi đồng thuận.

Ngược về rừng già xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, chúng tôi cũng bắt gặp từng tốp kiểm lâm của VQG Chư Mom Ray đang triển khai tháo gỡ bẫy thú hoang dã tại khu vực gần dân cư. Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc VQG Chư Mom Ray, cho biết, từ năm 2020 đến cuối tháng 6 vừa qua, đơn vị đã gỡ hơn 13.100 bẫy các loại. Ngoài ra, đơn vị còn giải cứu và đưa về trung tâm chăm sóc nhiều cá thể động vật hoang dã trước khi thả về tự nhiên. 

Theo Giám đốc VQG Chư Mom Ray, trong 2 năm qua, đã tổ chức 74 lượt tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã trong cộng đồng và trong trường học. Nhờ đó, các hộ dân đã ý thức hơn trong việc bảo vệ động vật hoang dã, thậm chí còn chủ động mang động vật nuôi nhốt trái phép đến giao nộp để trung tâm thả về tự nhiên. Trong đó, VQG đã tổ chức cứu hộ 168 cá thể động vật rừng, tái thả về tự nhiên.

Còn tại Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiếp nhận từ người dân xử lý, cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên 8 cá thể động vật quý hiếm gồm: 1 cá thể tê tê, 1 cá thể voọc bạc Đông Dương, 6 cá thể khỉ đuôi lợn.

Ngăn chặn tiêu thụ

Không chỉ giải cứu thú rừng còn sống trong rừng và nuôi nhốt trái phép từ nhà dân, các tỉnh Tây Nguyên còn ngăn chặn việc tiêu thụ động vật rừng. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, từ năm 2021 đến nay đã phát hiện, xử lý 5 vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, trong đó đã khởi tố hình sự 2 vụ. “Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã cấp mã số cho 31 cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn để giám sát, quản lý. Bên cạnh đó, cũng phối hợp với các đơn vị như hải quan, bộ đội biên phòng nhằm ngăn chặn việc mua bán động vật hoang dã qua biên giới về Việt Nam”, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã xử lý được 5 vụ vi phạm động vật rừng, tịch thu 17 cá thể. Theo ông Hưng, thời gian qua, đơn vị cũng phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở, nhà hàng, khách sạn, các gian hàng bán đồ lưu niệm… Qua đó, yêu cầu các cơ sở cam kết không tiêu thụ, bán các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã như: trang sức, các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm trưng bày… “Đối với các nhà hàng, quán nhậu, chúng tôi yêu cầu cam kết không bán thịt động vật hoang dã. Chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Hưng khẳng định.

Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật hoang dã và quản lý bảo vệ rừng (Sở NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngoài chức năng bảo tồn voi, quản lý bảo vệ rừng, đơn vị sẽ tổ chức thực hiện cứu hộ, chữa trị, chăm sóc các cá thể động vật hoang dã bị thương, mồ côi, phục hồi chức năng và thả về tự nhiên. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ tiếp nhận động vật hoang dã là tang vật vi phạm hoặc vật chứng của vụ án do cơ quan chức năng chuyển sang, nhằm đảm bảo việc chăm sóc, hạn chế tối đa việc động vật hoang dã bị chết. “Bảo vệ động vật hoang dã không chỉ là nhiệm vụ của các cấp, ngành mà cần sự chung tay của toàn dân. Người dân cần nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã như: ngà voi, lông đuôi voi, thịt động vật hoang dã, sừng tê giác…”, ông Phước nhấn mạnh.

VQG Yók Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) được xem có diện tích rừng khộp lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Với hệ sinh thái mang đặc tính rừng nhiệt đới Đông Nam Á, Yók Đôn hiện có khoảng 92 loài thú, 373 loài chim, 18 loài lưỡng cư, 55 loài bò sát, 373 loài chim… Nhiều loài trong số này được liệt kê trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có một số loài động vật nguy cấp mang tính toàn cầu như: bò xám, nai cà tông, bò rừng, voi châu Á, hổ, sói đỏ, chà vá chân đen...

Tin cùng chuyên mục