Giải bài toán thừa, thiếu giáo viên

Năm học 2021-2022 đã qua gần 1 tháng nhưng việc tuyển dụng giáo viên ở tất cả bậc học đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp như tăng tiết dạy, trả tiền phụ trội cho giáo viên, ký hợp đồng ngắn hạn hoặc điều chuyển nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các trường. 
Ứng viên tham gia tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2020 -2021
Ứng viên tham gia tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2020 -2021

Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ

Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện yêu cầu rà soát số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả cấp học, môn học. Trong đó, các địa phương phải xác định cụ thể số lượng, cơ cấu, độ tuổi của giáo viên dôi dư ở từng trường, đồng thời xây dựng phương án giải quyết phù hợp với từng đối tượng, có kinh phí hỗ trợ giáo viên trong quá trình điều chuyển, sắp xếp lại vị trí công tác. 

Theo hướng dẫn của cơ quan quản lý, việc điều chuyển giáo viên được thực hiện theo thứ tự ưu tiên cùng cấp học, môn học. Trường học có thể xem xét các phương án đặt hàng cơ sở đào tạo văn bằng 2 hoặc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với các môn thiếu giáo viên giảng dạy cho những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực, nguyện vọng phù hợp nhu cầu giảng dạy. Những trường hợp giáo viên có điều kiện sức khỏe và độ tuổi không đảm bảo yêu cầu giảng dạy có thể xem xét điều chuyển vị trí việc làm từ giáo viên sang nhân viên trường học như thiết bị, thí nghiệm, thư viện...

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, cho biết, hiện nay một số đơn vị trường học xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Cụ thể, do thừa giáo viên ở một bộ môn nào đó nên đơn vị quyết định điều chuyển qua vị trí công tác khác trong khi ở một đơn vị trường học khác lại thiếu giáo viên cùng bộ môn. Trong bối cảnh tuyển dụng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc rà soát, sắp xếp lại đội ngũ là cần thiết. Trường hợp sau khi rà soát, sắp xếp đội ngũ, các trường vẫn thiếu giáo viên có thể tính đến phương án như tăng tiết dạy đối với giáo viên cơ hữu và trả tiền phụ trội (yêu cầu không vượt quá số tiết phụ trội/năm đối với giáo viên) hoặc ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng để bổ sung lực lượng. Về lâu dài, các trường cần thống kê nhu cầu tuyển dụng làm cơ sở đặt hàng cho trường sư phạm đào tạo trong những năm kế tiếp. 

Tại quận Gò Vấp, trong tuần tới, lãnh đạo phòng GD-ĐT sẽ làm việc với hiệu trưởng các trường học về vấn đề giao biên chế. Tương tự, tại quận Bình Tân - một trong những địa phương có nhu cầu tuyển dụng giáo viên hàng năm cao nhất thành phố, song song với việc rà soát, sắp xếp đội ngũ, từ ngày 20-9, quận này triển khai tuyển dụng giáo viên cho năm học mới. Năm học 2021-2022, Bình Tân cần bổ sung thêm 295 giáo viên, nhân viên ở các cấp học, trong đó nhu cầu tuyển dụng cao nhất là bậc THCS với 145 giáo viên. Tại quận Tân Phú, 42/48 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập có tổng nhu cầu tuyển dụng là 271 người. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác tuyển dụng dự kiến sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 20-11.

Cần chính sách thu hút giáo viên

Mới đây, quận Tân Bình đã tổ chức rà soát, thống kê nhu cầu bổ sung giáo viên, nhân viên ở các cấp học. Theo đó, 24 trường mầm non trên địa bàn quận cần bổ sung thêm 30 giáo viên, bậc tiểu học là 42 người và THCS cần tuyển mới 21 người. Ở bậc tiểu học, nhu cầu tuyển dụng cao nhất thuộc về giáo viên dạy nhiều môn (21 người), kế đến là các bộ môn mỹ thuật (5 người), giáo dục thể chất, tin học, âm nhạc và tiếng Anh (mỗi bộ môn 4 người).

Riêng đối với bậc THCS, môn khoa học tự nhiên - môn học mới xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Tại quận Tân Phú, trong tổng số 101 giáo viên cần bổ sung thêm ở bậc tiểu học, bộ môn tiếng Anh dẫn đầu với 34 người. Đây cũng là thực tế chung ở nhiều quận, huyện khi chính sách trả lương cho giáo viên tiếng Anh ở trường công lập còn hạn chế, giáo viên tiếng Anh có xu hướng “chảy máu chất xám” qua các hệ thống ngoài công lập hoặc lĩnh vực khác.

Ngược lại, các bộ môn như công nghệ, mỹ thuật lại “khát” ứng viên nộp hồ sơ do thu nhập thiếu tính cạnh tranh. Do đó, để có nguồn lực bổ sung đội ngũ cho các trường học, về lâu dài cần có thêm nhiều chính sách thu hút người học như trao học bổng cho sinh viên, tăng chính sách đãi ngộ sau khi ra trường kết hợp với việc tuyên truyền để thu hút thêm nhiều ứng viên đến với ngành học.  

Ngoài ra, một trong những điểm mới của tuyển dụng năm nay là nhu cầu bổ sung thêm nhân viên y tế ở các trường học. Trước đây, do vướng quy định 4 vị trí việc làm gồm thủ quỹ, văn thư, kế toán và y tế chỉ sử dụng 2 biên chế nên nhiều trường học sử dụng nhân viên y tế kiêm nhiệm hoặc hợp đồng với các trung tâm y tế quận, huyện. Năm học này, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhân viên y tế là yêu cầu bắt buộc ở các trường học nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay chính sách đãi ngộ dành cho lực lượng này còn hạn chế, về lâu dài cần kế hoạch đầu tư căn cơ để giữ chân và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Sở GD-ĐT TPHCM vừa ra thông báo tạm hoãn việc tổ chức vòng thi đầu tiên của kỳ tuyển dụng viên chức năm học 2021-2022 do TPHCM đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch tuyển dụng sẽ được triển khai khi có chỉ đạo mới của UBND TPHCM về giãn cách xã hội.

Năm học 2021-2022, tổng nhu cầu tuyển dụng ở các đơn vị trực thuộc là 437 viên chức (gồm 388 giáo viên và 49 nhân viên), ngoài ra TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cần bổ sung gần 5.000 giáo viên, nhân viên cho các trường mầm non, tiểu học và THCS.

Tin cùng chuyên mục